Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, cùng đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế qua các thời kỳ, các nhà nghiên cứu, đại diện nhiều cơ quan báo chí ở khu vực miền Trung và các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh.
Hội thảo thu hút 16 tham luận, các tác giả đã mang đến hội thảo nhiều góc nhìn mới, tư liệu mới. Báo cáo cho biết, tờ Nhành Lúa do nhà báo Nguyễn Xuân Lữ đứng tên xin phép và làm chủ nhiệm kiêm quản lý. Tờ Kinh tế Tân Văn do nhà báo Hồ Cát đứng tên người sáng lập. Cả hai tờ tuần báo này đều là cơ quan ngôn luận công khai của Tỉnh ủy Thừa Thiên và Xứ ủy Trung Kỳ giai đoạn Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 - 1939).
Theo đó, năm 1936, Chính phủ của Mặt trận Nhân dân Pháp do L. Blum đứng đầu, được thành lập, có những cải cách dân chủ, tiến bộ ở cả Pháp và các thuộc địa. Tháng 9/1936, Chính phủ Mặt trận Bình dân cử ông Godart, Thanh tra Lao động làm “Đặc sứ” và một ủy ban sang Việt Nam, trong đó có ghé lại Huế, điều tra nguyện vọng của nhân dân Đông Dương. Nắm lấy cơ hội, các vị lãnh đạo tiền bối cách mạng lúc bấy giờ là Nguyễn Chí Diểu vừa mới ra tù chủ trì, cùng với Hải Triều - Nguyễn Khoa Văn, Lâm Mộng Quang và nhóm những người Cộng sản hoạt động công khai, hợp pháp tích cực chuẩn bị kế hoạch đón Godart. Trong đó, những người Cộng sản ở Huế tính toán về việc cần phải có một tờ báo trong tay.
Xứ ủy Trung Kỳ nhất trí và chỉ đạo các đảng viên và có cảm tình Đảng ở Huế (đa số thông qua những cựu tù chính trị mới được thả ra) đứng ra làm tuần báo Nhành Lúa. Tuần báo Nhành Lúa có trụ sở đóng tại Rue Jules Ferry (nay là đường Lê Lợi). Để tránh tai mắt mật thám Pháp và người của Nam Triều, Nhành Lúa được biên tập ở Huế, rồi chuyển ra ấn loát ở nhà in Đông Tây, số 193 phố Hàng Bông (Hà Nội). Báo in xong, phần lớn được phát hành tại Hà Nội, một số chuyển vào Huế, Vinh và các tỉnh Trung Kỳ. Báo phát hành được 9 số, số đầu tiên vào ngày 15/01/1937 và số cuối cùng ra ngày 19/03/1937.
Cùng lúc là tuần báo Kinh tế Tân Văn. Tòa soạn đóng ở 57 phố Gia Hội (nay là đường Chi Lăng- Huế). Kinh tế Tân Văn ra số đầu tiên (măng sét ghi là số đặc biệt) vào ngày 09/01/1937, số 1 ra ngày 08/04/1937 và số 3 (cuối cùng) ra ngày 24/04/1937. Báo được tổ chức bài vở và biên tập ở Huế, chuyển in tại nhà in Vương Đình Châu (thành phố Vinh). Báo in xong phát hành tại Nghệ An, một số chuyển ra Hà Nội, vào Huế và các tỉnh Trung Kỳ.
Phát biểu tham luận, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế Dương Phước Thu cho biết: Hai tờ tuần báo có tuổi thọ rất ngắn, kéo dài hơn hai tháng. Trong đó, tuần báo Nhành Lúa chỉ ra được 9 số và Kinh tế Tân Văn cũng tồn tại 4 số thì bị chế độ thực dân “bóp chết”. Dù vậy, cả hai tuần báo đều có sức hấp dẫn, cần kíp cho phong trào Cách mạng nên đã đi vào đời sống thợ thuyền, quần chúng lao động và những quan lại tiến bộ, trí thức yêu nước, đồng thời ảnh hưởng tích cực khá dài về sau.
Tuần báo Nhành Lúa và Kinh tế Tân Văn là sự kiện có ý nghĩa chính trị, văn hóa tư tưởng của giới báo chí Thừa Thiên Huế nói riêng và miền Trung nói chung về một giai đoạn lịch sử cam go, phức tạp và đầy những biến động ở Huế - Kinh đô cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam bên cạnh Tòa Khâm sứ Trung Kỳ - bộ máy cai trị xứ An Nam của thực dân Pháp.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm cho rằng, mặc dầu tồn tại trong 1 giai đoạn ngắn, tuy nhiên 02 tuần báo này đã có nhiều đóng góp trong hoạt động báo chí và cả trong hoạt động chính trị. Sự ra đời, hoạt động tuyên truyền hiệu quả của Nhành Lúa và Kinh tế Tân Văn đã xác lập chỗ đứng trong dòng chảy lịch sử báo chí cách mạng ở Huế, miền Trung và rộng ra là cả nước, trong đó nổi bật lên vai trò chủ đạo của các nhà báo, đồng thời là nhà hoạt động cách mạng.
Các tham luận khẳng định Nhành Lúa và Kinh tế Tân Văn thực sự là một mắt xích quan trọng trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam. Hội thảo cũng đề xuất nên tổ chức một không gian trưng bày/xây dựng một bảo tàng báo chí ở Huế; đồng thời, tổ chức xây dựng hồ sơ di sản tư liệu cho báo chí cách mạng ở Thừa Thiên Huế.
Minh Tích