Vào thời điểm chuẩn bị chuyển giao, đêm 9/2 (tức 30 Tết Âm lịch) hàng trăm người dân thôn Đằng Chương, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định tập trung ở đình làng Đằng Chương sẵn sàng cho nghi thức đặc biệt rước lửa thánh về nhà để lấy may.
Ngọn “lửa thánh” được chia tại sân đình tượng trưng cho sự may mắn, mang màu đỏ với sự ấm nóng đại diện cho sự nảy nở, sinh sôi của con người.
“Lấy lửa” đêm giao thừa là một phong tục truyền thống có từ lâu đời của người dân làng nghề đồ thờ truyền thống thôn Đằng Chương, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Theo các cụ cao niên trong thôn cho biết, làng Trang hay còn gọi là thôn Đằng Chương gọi tắt theo tên cổ từ ngày thành lập làng từ thế kỷ thứ X thời kỳ nhà Đinh do cụ Nguyễn Bạc Tự người dân gọi là cụ Vương Tư Đồ, húy là Nguyễn Đinh Điền (một trong tứ trụ triều đình nhà Đinh) về đây khai dân lập ấp. Từ đó, cứ đêm giao thừa mỗi năm cụ lại đốt lửa chia cho dân làng như mang sự may mắn, sung túc đủ đầy, ấm áp đến cho mỗi người dân. Tục lấy lửa như vậy được ra đời và lưu truyền đến ngày nay.
Những người đi rước lửa đều là thanh niên khỏe mạnh, tuấn tú, học hành giỏi giang bởi văn hóa “chọn người chọn tuổi” đẹp đầu năm mới trong tín ngưỡng nhiều thế hệ người Việt. Từ ngọn đuốc chính từ đình làng, đại diện làng sẽ chia lửa vào các ngọn đuốc, từng nhà liên tiếp truyền lại lửa cho nhau tạo nên khung cảnh rực sáng đêm đầu xuân năm mới.
Trong thời khắc giao hòa giữa trời và đất, ánh lửa thiêng bùng lên sáng rực cả một góc trời, mọi người chĩa đầu cây đuốc vào để lấy lửa, sau đó giơ cao ngọn đuốc rồi tỏa về khắp các ngõ, xóm.
Với những gia đình không có người đi xin “lửa thánh” thì chỉ cần có hàng xóm láng giềng đem lửa lấy từ đình làng sang xông nhà. Hàng xóm đồng ý mừng tuổi cho gia đình thì ngọn “lửa thánh” vẫn được sử dụng để thắp hương bàn thờ gia tiên và nổi lửa ở bếp trong 5 ngày tết, với ý nghĩa may mắn đầu xuân tương tự.
Nguyễn Kiên