Cơ sở kinh doanh Tuệ Lâm Mark có diện tích khoảng hơn 100m2, cơ sở kinh doanh có vị trí tại khu vực tập trung nhiều cửa hàng kinh doanh đã từng bị bạn đọc phản ánh và lực lượng QLTT TP. Hải Phòng kiểm tra và xử lý vi phạm như cơ sở kinh doanh: Xiao mart, Long Na Men,… Tại cơ sở kinh doanh Tuệ Lâm Mark có mô hình kinh doanh tương tự các cơ sở kinh doanh như: Teen Love Đồ Sơn, Teen Love Kiến Thuỵ, Siêu thị đồng giá 15k, Yến Phương Kiến Thuỵ, Xiao Mart An Lão, Xiao Mart Tiên Lãng,... tại các cơ sở kinh doanh trên kinh doanh chủ yếu các mặt hàng như: hoá mỹ phẩm, thời trang, phụ kiện,…
Mục sở thị tại cơ sở kinh doanh Tuệ Lâm Mark, cơ sở có địa chỉ tại quốc lộ 17B, thôn Đình Ngọ, xã Hồng Phong, huyện An Dương, TP. Hải Phòng. Tại đây, phóng viên Thương hiệu và Công luận ghi nhận cơ sở hiện đang bày bán các sản phẩm thời trang như: ba lô, túi sách, mũ, dép,… có gắn tên các thương hiệu như Nike, adidas, Louis vuitton,… Ngoài việc được gắn mác của các thương hiệu lớn thì nhiều sản phẩm thời trang được bày bán tại đây còn không có nhãn phụ tiếng Việt đối với hàng hoá có 100% chữ nước ngoài theo quy định tại điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 3 điều 1/2021/NĐ-CP. Cụ thể, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.
Theo khoản 3, 4 Điều 8 Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 2 Nghị định 111/2021/NĐ-CP và khoản 2 Điều 2 Nghị định 111/2021/NĐ-CP, nhập khẩu hàng hóa có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam phải đảm bảo những yêu cầu sau: Nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc. Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa.
Tuy nhiên, tại cơ sở kinh doanh nhiều hàng hàng hoá 100% chữ nước ngoài không có nhãn phụ tiếng Việt theo quy định.
Nhằm xác minh làm rõ việc kinh doanh hàng hoá có 100% chữ nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt tại cơ sở kinh doanh Tuệ Lâm Mark, phóng viên Thương hiệu và Công luận đã liên lạc nhiều lần nhưng phía cơ sở kinh doanh không có hồi âm.
Được biết, ngày 21/6/2024, sau khi Thương hiệu và Công luận có bài viết: “Nhiều cửa hàng tại Hải Phòng bị phản ánh bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ”, thì lực lượng QLTT TP. Hải Phòng đã có buổi làm việc tại cơ sở kinh doanh Long Na Men có tên trong bài viết.
Đề nghị Cục Quản lý thị trường TP. Hải Phòng, cơ quan thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi nhười tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật trên địa bàn TP. Hải Phòng; thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật trong thời gian tới tiếp tục có những cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với các cơ sở kinh doanh như: Tuệ Lâm Mark, Long Na Men, Xiao Mart,… để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Quỳnh Nga(t/h)