Chất lượng nổi trội
Điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi là hai yếu tố vô cùng quan trọng để tạo nên hương vị thơm ngon, cuốn hút của cam sành Hàm Yên.
Nhiều người cho rằng, chính nhờ nguồn nước trong lành, mát mẻ từ ngọn núi Phá Phúng, hòa cùng nắng gió, khí trời Hàm Yên đã mang đến vị ngọt đậm tươi mới của loại quả nổi tiếng này. Mùa cam sành Hàm Yên thường bắt đầu từ tháng 11 cho đến khoảng tháng 2, tháng 3 năm sau.
So với những giống cam khác trên cả nước thì cam sành Hàm Yên được đánh giá có vị ngọt thanh, hương thơm dịu và hấp dẫn hơn cả. Cam mới ra quả sẽ có màu xanh, khi chín thì chuyển sang vàng óng, trái căng mọng, lốm đốm đặc trưng. Vỏ cam sành Hàm Yên khá mỏng và sần nhẹ lúc chín.
Cam sành Hàm Yên đặc trưng bởi những tép cam mọng nước với hàm lượng dinh dưỡng cao. Theo kết quả từ nhiều cuộc nghiên cứu, giống cam sành tại Hàm Yên chứa trên 10% hàm lượng đường, bên cạnh đó, cứ mỗi 100g cam tươi sẽ có từ 40 - 90mg vitamin C cùng nhiều loại axit hữu cơ, các chất khoáng và dầu thơm…
Từ năm 2013, cam sành Hàm Yên (Tuyên Quang) đã lọt top 10 trái cây ngon nhất Việt Nam. Tuy nhiên, người trồng cam luôn phải đối mặt với tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa".
Năm 2012, những vườn cam Hàm Yên bắt đầu được được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm mang đến những sản phẩm an toàn và chất lượng cho người tiêu dùng, việc chăm sóc cây cam cũng được bà con chú trọng.
Tháng 10/2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho cam sành Hàm Yên. Theo quy hoạch, vùng cam sành tại Tuyên Quang trải dài trên 15 xã của các huyện Hàm Yên và Chiêm Hoá. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp tại đây đã cho chất lượng quả cam nổi trội hơn các khu vực khác.
Trồng, chăm sóc cam theo tiêu chuẩn hữu cơ
Cây cam vẫn được đánh giá là cây trồng chủ lực của huyện Hàm Yên. Để nỗ lực giữ vững thương hiệu, địa phương này đang tập trung các giải pháp để duy trì diện tích hiện có và phục hồi những diện tích nhiễm bệnh nhẹ.
Trồng, chăm sóc cam theo tiêu chuẩn hữu cơ đang được người trồng cam ở Hàm Yên nhân rộng sau nhiều năm đối diện với bài toán được mùa mất giá, mất mùa được giá và nguy cơ cam nhiễm bệnh ngày càng nhiều như hiện nay.
Theo Trung tâm Cây ăn quả huyện hàm yên (Tuyên Quang), từ năm 2021 đến nay, khi diện tích cam trên địa bàn huyện bắt đầu chết và giảm dần, đơn vị đã làm việc với nhiều cơ quan chuyên môn như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Tân Trào, Viện Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)… khảo sát, đánh giá mức độ nhiễm bệnh của cây cam; đồng thời, phối hợp thực hiện nhiều đề tài, dự án như trồng cỏ Vetiver khử độc trong đất, quy trình chăm sóc trồng cam hữu cơ, quy trình chăm sóc sản xuất cam chất lượng…
Đối với những diện tích đã chết hoặc nhiễm bệnh trên 70%, Trung tâm Cây ăn quả khuyến khích nhân dân chặt bỏ càng sớm càng tốt để xử lý đất, nấm bệnh và có thể tái canh sau vài ba năm. Những diện tích cam chết do già cỗi, có thể chuyển sang trồng các loại cây trồng khác để thay đổi chu kỳ canh tác trên đất, loại bỏ hoàn toàn nấm bệnh, vi khuẩn.
Cùng với đó, Trung tâm Cây ăn quả huyện thực hiện lựa chọn, bảo tồn cây giống bố mẹ chất lượng, bảo tồn nguồn gen và cung cấp nguồn cây giống sạch bệnh cho người trồng cam trên địa bàn huyện.
Tổng diện tích cam sành Hàm Yên hiện đạt trên 7.500 ha, trong đó gần 7.000 ha đang cho thu hoạch với sản lượng trung bình 80.000 tấn mỗi năm.
Để giữ vững và phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cam sành Hàm Yên thì cùng với việc yêu cầu người trồng tuân thủ đúng quy trình chăm sóc vườn cam, ngành nông nghiệp đã có những chương trình cụ thể đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, giúp người tiêu dùng nhận biết, lựa chọn sản phẩm có chất lượng.
Hà Trần