Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ đã tăng 0,1% trong tháng 8, phù hợp với kỳ vọng của các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Reuters, sau khi tăng 0,2% trong tháng 7. Trong 12 tháng tính đến tháng 8, chỉ số giá PCE đã tăng 2,2% sau khi tăng 2,5% trong tháng 7.
Ngoài ra, chi tiêu tiêu dùng, chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ, đã tăng 0,2% trong tháng trước sau mức tăng 0,5% trong tháng 7. Dữ liệu thấp hơn một chút so với ước tính 0,3% nhưng cho thấy nền kinh tế vẫn duy trì được động lực nhất định trong quý III.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gần đây đã báo hiệu sự thay đổi trọng tâm khỏi vấn đề lạm phát và hướng tới việc duy trì một thị trường lao động lành mạnh, đồng thời đưa ra mức cắt giảm lãi suất lớn hơn bình thường ở mức 50 điểm cơ bản vào tuần trước.
Các thị trường đang định giá đầy đủ về việc cắt giảm ít nhất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 11 của Fed, với kỳ vọng về một đợt cắt giảm 50 điểm cơ bản khác hiện tăng từ mức 49,9% lên tới 56,7% sau dữ liệu lạm phát Mỹ, theo FedWatch Tool của CME.
Trong khi đó, đồng EUR giảm 0,14% ở mức 1,116 USD. Đồng yên Nhật tăng 1,88% ở mức 142,1/USD. Trong tuần, đồng USD giảm 1,25% so với đồng yên.
Đồng bảng Anh giảm 0,3% xuống mức 1,3375 USD và tăng hơn khoảng 0,4% trong tuần, sẵn sàng cho mức tăng tuần thứ hai liên tiếp.
Tại thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch ngày 28/9, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng 13 đồng, hiện ở mức 24.118 đồng.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng nhẹ, hiện ở mức: 23.400 đồng - 25.273 đồng.
Tỷ giá EUR tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng nhẹ, hiện ở mức: 25.601 đồng – 28.296 đồng.
Tỷ giá yên Nhật tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giảm nhẹ, hiện ở mức: 158 đồng – 174 đồng.
Việt Anh (t/h)