Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước. Đáng bàn, khi số người mắc và tử vong đang tăng cao trở lại ở nhiều khu vực, ngày 25/11 vừa qua lại xuất hiện biến thể mới của SASR-CoV-2 có tên gọi là Omicron hay “siêu đột biến”, có khả năng “né” kháng thể do vắc xin tạo ra. Biến thể này xuất hiện đầu tiên ở Nam Phi, rồi đến châu Âu ( Ý, Anh) và khu vực châu Á (Hồng Công, Trung Quốc).

Biến thể này được đánh giá nguy hiểm hơn nhiều so với chủng Delta. Vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới đã họp khẩn bàn cách ứng phó với biến thể “siêu đột biến” này. Nhiều quốc gia ngay lập tức áp dụng biện pháp hạn chế đi lại với Nam Phi và một số nước châu Phi. Phản ứng mau lẹ của một số quốc gia nhằm chặn dịch từ sớm, không để bị động như ứng phó với biến thể Delta trước đó. Các chuyên gia cảnh báo rất có thể biến thể này sẽ là tác nhân gây ra đợt dịch thứ 5.

Tại Việt Nam, dịch bệnh những ngày gần đây cũng tăng mạnh trở lại. Nhiều địa phương liên tục phát đi các thông báo truy tìm người tiếp xúc với các F0. Các sự kiện tập trung đông người (đám cưới, đám tang…) vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn dù đã có quy định chặt chẽ. Bên cạnh đó, các hoạt động dịch vụ hoạt động trở lại, sự dịch chuyển nhiều hơn thì nguy cơ lây lan dịch bệnh cũng vì thế tăng theo.

Mặt khác, cả nước thực hiện “Thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 tăng lên (hiện đã tiêm hơn 116 triệu liều, trong đó có 69 triệu liều mũi 1, hơn 47 triệu liều mũi 2) thì đây đó đã xuất hiện tâm lý chủ quan. Theo dõi tình hình dịch bệnh những ngày qua có thể thấy có những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn mắc và tử vong do Covid-19 (tỷ lệ rất nhỏ).

Trước tình hình diễn biến mới của dịch Covid-19, cùng với 5K, vắc xin, thuốc điều trị, công nghệ thì ý thức người dân càng đóng vai trò quan trọng, quyết định đối với công tác phòng, chống dịch. Để tiếp tục chủ động phòng, chống dịch hiệu quả, ngày 28/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh việc sản xuất vắc xin, thuốc điều trị Covid-19 trong nước và nhấn mạnh: Phải sản xuất bằng được vắc xin, thuốc điều trị Covid-19 ở trong nước để chủ động phòng, chống dịch bệnh, tiết kiệm ngân sách Nhà nước, đồng thời phát huy tinh thần tự lực, tự cường, trí tuệ của người Việt Nam, truyền thống sáng tạo của ngành y, dược...

Rõ ràng, cùng với thay đổi chiến thuật chống dịch, từ “Không Covid-19” sang “Thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” là chủ động nguồn vắc xin, thuốc điều trị sản xuất trong nước, Việt Nam đã chuẩn bị “tâm thế” sống chung lâu dài với dịch bệnh.

Theo các chuyên gia, với biến chủng mới của SASR-CoV-2, chúng ta phải đề cao cảnh giác, chuẩn bị kịch bản ứng phó và chủ động các biện pháp phòng, chống dịch từ sớm, từ xa, tất cả đều hướng mục tiêu chủ động giám sát diễn tiến dịch bệnh, phát hiện sớm ổ dịch, tiến hành dập dịch nhanh và triển khai chăm sóc, điều trị F0 an toàn, hiệu quả. 

Đối với ngành Y tế, để luôn sẵn sàng ứng phó với dịch và thực hiện chức năng khám, chữa bệnh thông thường cho người dân, các bệnh viện công lập và tư nhân đang chuyển đổi những khu vực cách ly F0 trước đây trở thành các đơn vị hoặc các khoa Covid-19.

Đồng thời, với việc xây dựng kế hoạch triển khai trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc Covid-19 tại cộng đồng, ngành y tế đã xây dựng 4 kịch bản ứng phó tương ứng với các tình huống dịch bệnh tại các bệnh viện (kiểm soát tốt, kiểm soát, cơ bản được kiểm soát và dịch bùng phát). Các đội đặc nhiệm kiểm soát dịch của các địa phương được hình thành và sẵn sàng tác chiến khi phát hiện một ổ dịch mới phát sinh. Kế hoạch sẵn sàng thay thế các chiến sĩ quân y và phát huy hiệu quả các trạm y tế lưu động được thiết lập phù hợp với yêu cầu thực tế, bao gồm cả đội hình dự bị để kịp thời huy động khi cần thiết. Hệ thống các cơ sở thu dung điều trị tại các bệnh viện dã chiến và các bệnh viện điều trị luôn sẵn sàng cho các tình huống tương ứng với tiến diễn dịch bệnh.

Việc chuẩn bị tốt kịch bản, trang thiết bị, thuốc, nhân lực…; nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống dịch trong nhân dân; đề cao cảnh giác, chủ động phòng dịch từ sớm, từ xa là cách tốt nhất để hạn chế sự xâm nhập của dịch bệnh.

Ngày 25/11/2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2, được gọi là Omicron (B.1.1.529) được phát hiện tại một số quốc gia Nam Châu Phi như Nam Phi, Botswana...

Theo các nhà khoa học, biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana ngày 24/11/2021 và có tới 32 đột biến ở protein gai, là biến thể nhiều đột biến nhất của vi rút SARS-CoV-2 và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác (biến chủng Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta).

Tại Việt Nam đến nay qua giám sát dịch tễ của virus SARS-CoV-2 hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19  với biến chủng mới Omicron.

Để chủ động kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong nước và đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới Omicron vào nước ta từ các quốc gia đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch Covid-19 ;

Yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gien các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi;

Đồng thời đã báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên. Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới và các Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế để thông tin kịp thời về các biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 để đưa ra các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với diễn biến tình hình dịch.

Hoan Nguyễn