Đoàn thanh tra Tổng cục Môi trường đã bắt quả tang việc xả thải trái phép của Urenco 6 (Ảnh: TNMT).
Như chúng tôi đã thông tin, trước đó Cty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội - Chi nhánh Xuân Sơn (Urenco 6) đã bị cơ quan chức năng bắt quả tang xả trái phép nước rỉ rác chưa qua xử lý ra hồ Xuân Khanh (Ba Vì, Hà Nội). .
Theo Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), từ tháng 7/2018 đến nay, Đoàn thanh tra đã nhiều lần tổ chức khảo sát đột xuất (không kể ngày, đêm) tại các cống xả thải từ Bãi rác Xuân Sơn xả ra ngoài môi trường. Tuy nhiên hoạt động xả thải của Urenco 6 hết sức tinh vi, thường xuyên thay đổi chu kỳ, phương thức xả thải, đồng thời luôn phân công người canh gác tại các điểm trọng yếu để giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng khi muốn tiếp cận gần khu vực bãi rác.
Trả lời báo chí, ông Vũ Cường, Phó TGĐ Urenco nói, sau khi Urenco 6 báo cáo lại toàn bộ sự việc, Cty nhận định đây là lỗi về điều hành của Ban lãnh đạo Urenco 6 và kíp trực hôm đó gồm 9 người, đặc biệt là trách nhiệm của Phó giám đốc trực tiếp điều hành ca trực, chưa có kinh nghiệm trong xử lý mưa tách nước rỉ rác.
Ông Cường nói thêm, trong quy trình của Cty đều có kế hoạch vận hành bãi, xử lý tình huống nhưng đội ngũ vận hành chủ quan do lượng mưa không cao (gần 70 mm). Đại diện Urenco khẳng định đây là sự cố ngoài ý muốn chứ không phải là hành vi cố ý và cho biết thêm, đây là lần đầu để xảy ra sự cố.
Thực tế kiểm tra cho thấy hạ tầng thu gom nước thải, nước mưa tại Urenco 6 chưa được tách biệt, công tác thu gom, xử lý nước rỉ rác của đơn vị này chưa đúng quy định của pháp luật bảo vệ môi trường. Kết quả phân tích mẫu nước thải nêu trên có các thông số ô nhiễm vượt nhiều lần QCVN cho phép (gồm độ màu vượt 11 lần; BOD5 vượt 6,3 lần; COD vượt 2,2 lần; TSS vượt 5,9 lần; Sunfua vượt 1,1 lần; Amonia vượt đến 17,5 lần; Coliform vượt 18 lần…).
“Việc không tách biệt hệ thống thu gom, thoát nước mưa và nước thải của Urenco 6 là chưa đúng theo nội dung Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của dự án theo quy định”, nguồn tin cho biết.
Cũng theo nguồn tin này, các vi phạm của Urenco 6 được kết luận là không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định đối với hoạt động nâng công suất ô chôn lấp từ 900 - 1.000 tấn rác/ngày. Mức xử phạt từ 400 - 500 triệu đồng.
Urenco 6 thực hiện không đúng các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo này. Mức xử phạt từ 60 - 80 triệu đồng.
Chi nhánh này cũng không thực hiện lắp đặt 4 trạm quan trắc không khí, tiếng ồn và nước ngầm cho khu chôn lấp rác, mức xử phạt từ 80 - 100 triệu đồng.
Nghiệm trọng hơn, Urenco 6 còn xây lắp, lắp đặt các thiết bị đường ống, đường thải để xả chất thải không qua xử lý ra ngoài môi trường, mức phạt từ 120 - 160 triệu đồng; xả nước thải có các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt nhiều lần quy chuẩn kỹ thuật, mức xử phạt từ 400 - 440 triệu đồng.
Ngoài ra, cơ quan chức năng xác định, các hành vi vi phạm nêu trên phải bị phạt tăng thêm 50% mức phạt, bởi thông số màu vượt 2,2 lần, thông số BOD5 vượt quy chuẩn 14,5 lần… Tổng mức xử phạt từ 1,28 tỷ đồng đến 1,408 tỷ đồng.
Như vậy, tổng số tiền mà cơ quan chức năng phạt Urenco có thể lên đến hơn 2 tỷ đồng. Đồng thời, đơn vị vi phạm cũng bị đề nghị đình chỉ hoạt động ô chôn lấp từ 6 - 12 tháng để khắc phục hậu quả.
Câu hỏi đặt ra, là DN nhà nước, hoạt động trong lĩnh vực công ích, Urenco sẽ chi tiền từ nguồn nào để xử lý việc bị phạt tiền? Và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân thế nào đối với vụ việc này?
Tô Thanh