Bài 1: Đánh thức “Viên ngọc thô” vùng Tây Bắc

Buổi sớm đầu đông, tôi đặt chân đến Lạc Sơn. Bầu trời dần sáng, những tia nắng đầu ngày nhẹ nhàng xuyên qua kẽ lá, phủ lên đồi cỏ còn đẫm hơi sương một ánh vàng ấm áp. Khung cảnh nơi đây như bức tranh sơn thủy hữu tình, yên bình mà đầy sức sống.

Chuyến đi hơn một giờ đồng hồ bắt đầu từ Hà Nội đủ để tôi hình dung về vùng đất sắp ghé thăm. Lạc Sơn, huyện miền núi phía Tây Bắc, cách Hà Nội chừng 100km, không chỉ nổi bật bởi vẻ đẹp tự nhiên mà còn bởi sức hút từ nền văn hóa Mường đậm đà bản sắc. Những dự án du lịch đang dần hình thành, đưa vùng đất này thành điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá thiên nhiên và văn hóa địa phương.

Đón tôi là Thức, người bạn Mường họ Bùi, chủ một nhà hàng ven tỉnh lộ chuyên món đặc sản địa phương. Từng gặp anh trong chuyến tìm hiểu bài thuốc dân gian ở Hòa Bình, giờ gặp lại, tôi thấy anh khác trước: Phấn chấn, nụ cười đầy thân thiện không còn vẻ đậm chất “toọc” như hồi trước. Anh nói, cuộc sống khấm khá hơn nhờ quê hương mình – vùng đất đang vươn mình đổi thay từ chính tiềm năng sẵn có.

Hẹn hò nhau nhiều lần, giờ tôi mới có dịp tới Lạc Sơn. Nói về đặc sản vùng miền, anh bạn Thức chia sẻ: Lạc Sơn nổi tiếng với các loại sản phẩm đặc sản như rượu cần, mật ong, lợn mán và các món ăn truyền thống của người Thái, Mường. Ngoài ra, Lạc Sơn còn được biết đến với những điểm du lịch nổi tiếng như Bãi Bùi, Thảo nguyên xanh Miền Đồi, Đồi Thung hay Thác Mu,… gắn liền với những hoạt động giải trí như thám hiểm, đi bộ đường dài và thậm chí là tham gia vào các lễ hội truyền thống của người dân địa phương.

Chính vì vẻ đẹp và sự đa dạng của vùng, Lạc Sơn đã là một điểm đến lý tưởng cho du khách muốn trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa và tận hưởng những cảnh quan đẹp tuyệt vời của miền núi vùng Tây Bắc.

Bữa sáng đã xong, nhấp ngụm nước vối nóng hổi để xua tan cái giá lạnh đầu đông vùng sơn cước, anh Thức thủng thỉnh nói, mình sẽ đưa các bạn đến với Bãi Bùi để sống chậm. Theo lời giới thiệu của anh Thức, đây là một điểm đến du lịch nổi tiếng mà du khách không thể bỏ qua mỗi khi đến với Lạc Sơn.

Thanh bình chốn thảo nguyên Bãi Bùi

Theo chân Thức, chúng tôi ghé Bãi Bùi – một thảo nguyên xanh thanh bình đang là điểm đến lý tưởng của giới trẻ để “checkin” khi đến với Lạc Sơn.

Quả thực, khi tới Bãi Bùi, tôi không khỏi bất ngờ bởi vẻ đẹp yên bình, “mát” mắt đến kỳ lạ. Tọa lạc tại xóm Khộp, xã Ngọc Lâu, Lạc Sơn, Hòa Bình, Bãi Bùi là một điểm du lịch độc đáo trên thảo nguyên xanh mướt và hoang sơ.

Với diện tích rộng chừng khoảng 9ha, nằm ở độ cao 600m so với mực nước biển, vào mùa đông khu vực này được bao phủ bởi thảm cỏ mượt đã ngả màu vàng mướt mắt. Từ lâu, khu vực này là nơi chăn thả gia súc của người dân địa phương. Chỉ đến năm 2022, khi con đường được cải tạo, Bãi Bùi thật sự được nhiều người tìm đến.

Bãi Bùi - một địa điểm checkin đẹp như trời Tây của giới trẻ
Bãi Bùi - một địa điểm checkin đẹp như trời Tây của giới trẻ

Xa xa là những cây cổ thụ đứng lặng yên trong cái lạnh đầu đông. Theo lời anh Thức, những cây cổ thụ có tên là Tlau, hay còn gọi là cây Trâu có tuổi đời hàng trăm năm. Những cây cổ thụ này đã được chính quyền xã Ngọc Lâu ra Nghị quyết bảo tồn vào năm 2007, đến nay đã phát huy hết những giá trị của nó trong việc tạo điểm nhấn cho vẻ đẹp yên bình nơi đây.

Tôi có cảm giác rằng mọi thứ dường như chậm lại để mọi người có thể tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc yên bình này. Một buổi sáng đầu đông, được trải nghiệm điểm đầu tiên khi đến với Lạc Sơn không chỉ là một cảnh đẹp mà còn là một trải nghiệm đầy cảm xúc, khơi gợi những cảm giác mới lạ, bình yên đến khó tả.

Trải tấm ni lông dưới gốc cây, Thức mang ra tích (ấm) nước vối nóng cùng vài chiếc chén, kèm theo túi kẹo lạc và dăm cái bánh củ mài, một đặc sản được bà con vùng rất ưa chuộng để mời chúng tôi. Cuộc hàn huyên của Thức với chúng tôi về cảnh đẹp, con người nơi đây cứ thế kéo dài tới tận trưa mà vẫn chưa hết chuyện…

Chia tay Bãi Bùi trong trong cái nắng sớm mai se lạnh, chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá vùng đất Lạc Sơn giữa đại ngàn núi rừng Tây Bắc. Di chuyển đến Miền Đồi, nơi được mệnh danh là “viên ngọc thô” của vùng sơn cước Hòa Bình.

Một Miền Đồi hùng vĩ

Chỉ khi đặt chân tới đây, vẻ đẹp nguyên sơ của nơi này mới thực sự hiện lên rõ ràng trước mắt, như một báu vật thiên nhiên đang chờ được đánh thức.

Theo lời Thức, Miền Đồi là một xã vùng cao thuộc huyện Lạc Sơn, nơi mà 99% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Trước đây để vào được khu này, cả người và phương tiện phải di chuyển rất vất vả. Giờ đây, khi đường xá được chỉnh trang, từ trung tâm huyện, chúng tôi chỉ cần băng trên cung đường bê tông dài khoảng 15 km là tới.

Trên con đường quanh co, len lỏi qua những khúc cua dốc dốc, hiện ra trước mắt chúng tôi là một bức tranh hùng vĩ của ruộng bậc thang trải dài đến tận chân trời. Với diện tích rộng lớn cùng hàng trăm bậc nối liền nhau, cảnh đẹp của ruộng bậc thang nơi đây không chỉ là minh chứng cho sự hào phóng của thiên nhiên ban tặng, mà còn là dấu ấn từ bàn tay cần cù của người dân xứ Mường qua hàng trăm năm khai phá và vun trồng.

Một Miền Đồi hùng vĩ, kết hợp giữ ruộng bậc thang và cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn vùng Tây Bắc
Một Miền Đồi hùng vĩ, kết hợp giữ ruộng bậc thang và cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn vùng Tây Bắc

Điều đặc biệt làm nên sức hút của Miền Đồi là sự đan xen giữa những tầng ruộng tầng tầng lớp lớp, kết hợp với các cánh rừng nguyên sinh cổ thụ tạo thành bức tranh đậm chất hùng vĩ vùng Tây Bắc. Càng lên cao, những cánh rừng xanh mướt càng hiện ra, như ôm trọn một Miền Đồi nhỏ bé mà yên bình đến kỳ lạ.

Miền Đồi là một điểm đến lý tưởng để du khách tham gia trải nghiệm về đất và người nơi đây
Miền Đồi là một điểm đến lý tưởng để du khách tham gia trải nghiệm về đất và người nơi đây

Trong chuyến trải nghiệm cảnh sắc tại Miền Đồi, tôi đã thấy được ở đây không chỉ có thiên nhiên mà cả những nhà sàn cổ kính của người Mường được lưu giữ qua thời gian. Những lớp rêu, mốc phủ kín màu của thời gian bao trùm lên từng chiếc cột gỗ mòn mòn qua năm tháng, tất cả đều như hơi thở của lịch sử đã lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống của người Mường.

Thức còn cho biết, tháng 10 là thời điểm đẹp nhất của cảnh sắc Miền Đồi. Chính vì vậy, một loạt các hoạt động nằm trong Lễ hội ruộng bậc thang Miền Đồi đã được tổ chức như: Phiên chợ trưng bày, quảng bá, giới thiệu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu huyện Lạc Sơn năm 2024. Qua đó, nhằm thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Tiểu dự án 2 của Dự án 3, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Lạc Sơn đã tạo thành điểm nhấn về mặt văn hóa, kết hợp với việc phát triển kinh tế của vùng đất xứ Mường.

Nhiều Lễ hội truyền thống được diễn ra tại Miền Đồi
Nhiều Lễ hội truyền thống được diễn ra tại Miền Đồi

Chỉ vỏn vẹn trong một buổi sáng đầu đông, tôi không chỉ khám phá cảnh đẹp mà còn được chạm đến những xúc cảm sâu lắng, khó quên khi ghé qua những địa danh nổi tiếng nhưng mang đậm nét hoang sơ của vùng đất Lạc Sơn.

Qua câu chuyện của Thức, tại Lạc Sơn còn được biết đến với những điểm du lịch nổi tiếng như Đồi Thung hay Thác Mu,… Tất cả còn rất hoang sơ như một “Viên ngọc thô” vùng Tây Bắc đang được mài dũa và dần tỏa sáng.

Mải mê dõi theo những thửa ruộng bậc thang, men theo những thảo nguyên xanh, những mái nhà sàn phong rêu phủ kín mà chúng tôi không để ý đến thời gian trời đã ngả về chiều muộn. Chúng tôi quay về chỗ nghỉ để nhận phòng và sửa soạn tiếp tục cho hành trình trải nghiệm, thưởng thức ẩm thực xứ Mường Vang.

Nghe nói, trong ẩm thực, người Mường có câu nói đúc kết được kinh nghiệm hay, sâu sắc: "Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới…” tôi càng háo hức đến lạ kỳ,…

Thành Nam