THCL Hiện nay, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên cả nước diễn ra rất phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống lụt bão.

Trong khi đó, số lượng các vụ vi phạm đã được xử lý dứt điểm rất ít, còn tồn đọng lớn, thậm chí không thể xử lý dứt điểm.

Tràn lan vi phạm

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, chỉ tính từ năm 2010 đến hết tháng 6/2015, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 1.690 vụ vi phạm pháp luật về đê điều với những lỗi chủ yếu là xây nhà kiên cố trên mái đê, hút cát dưới lòng sông, hoạt động không bảo đảm quy định của các bãi chứa vật liệu xây dựng, xe quá tải trọng chạy trên đê...

Tương tự, tình trạng vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi cũng diễn ra nghiêm trọng, đến hết tháng 6/2015, toàn thành phố còn tồn đọng 15.289 vụ vi phạm chưa bị xử lý.

Báo cáo số 172/BC-TNMT ngày 18/09/2015 của Sở TNMT tỉnh Phú Thọ về việc rà soát hoạt động khai thác, vận chuyển tập kết và kinh doanh cát sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh, có 90 bến bãi tập kết, kinh doanh cát sỏi chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền giao đất… Các hành vi vi phạm chủ yếu là lấn chiếm hành lang bảo vệ đê làm nhà ở, nhà xưởng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; xẻ mái đê làm dốc; xây dựng lò gạch trên bãi sông; đổ đất, phế thải san lấp lấn chiếm bãi sông, lòng sông; xây dựng công trình trái phép trên bãi sông; khai thác cát không phép.

Thông tin từ Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Vĩnh Phúc, tình trạng vi phạm Luật Đê điều trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra, đặc biệt nghiêm trọng là các vi phạm tập kết đất, cát, vật liệu xây dựng với khối lượng và chiều cao lớn trên bãi sông ảnh hưởng đến thoát lũ, ổn định bờ, bãi sông, ảnh hưởng đến an toàn đê điều. Thêm vào đó, xe quá tải trọng cho phép đi trên đê đã xảy ra ở hầu hết các tuyến đê của địa phương làm hư hỏng mặt, thân đê…. Trong đó, những vi phạm tồn đọng chưa xử lý dứt điểm được tập trung ở huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Sông Lô…

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, ý thức chấp hành pháp luật đê điều và phòng chống lụt bão của một bộ phận dân cư, đơn vị, doanh nghiệp còn hạn chế, thậm chí cố tình vi phạm, coi thường pháp luật, làm ngơ trước các quyết định đình chỉ, cưỡng chế của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý. Trong khi chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp phường, xã một số nơi còn buông lỏng quản lý, chưa thực hiện trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Theo ông Nguyễn Đức Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Vĩnh Phúc, những vi phạm pháp luật về đê điều vẫn xảy ra do một số địa phương, cơ quan còn cho phép thực hiện các hoạt động không đúng thẩm quyền. Việc giao, cho thuê đất, cấp phép cho các hoạt động liên quan ở khu vực bãi sông, ven đê nhiều nơi chưa chặt chẽ, chưa bảo đảm tính pháp lý, không phù hợp với pháp luật về đê điều và chống lụt bão.

Có sự… “nhờn thuốc”?

Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 20/9/2015, cả nước xảy ra gần 1.000 vụ vi phạm về đê điều, nhất là tại Phú Thọ, Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình…, tuy nhiên mới chỉ có gần 300 vụ vi phạm được xử lý.

Tại Hà Nội, từ đầu năm 2015 đến nay, đã xảy ra gần 260 vụ vi phạm về đê điều, nhưng chỉ có 25 vụ được xử lý; Hải Dương, có tới 190 vụ vi phạm…

Cũng theo Tổng cục Thủy lợi, nhiều địa phương thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm về đê điều, số lượng vụ vi phạm tồn đọng còn rất lớn, trong đó phải kể tới các hành vi nghiêm trọng, phổ biến như khai thác cát sỏi, xây dựng nhà kiên cố trên thân đê, lấn chiếm hành lang bảo vệ đê. Các tỉnh “dẫn đầu” danh sách này phải kể tới Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình…

Trước tình trạng vi phạm đê điều diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, Bộ NN&PTNT và các cơ quan thuộc Bộ đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương nói chung và Hà Nội nói riêng về vấn đề này. Bộ cũng đã liên tiếp có các báo cáo, kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Bộ NN&PTNN đã có Văn bản số 31/BNN-TCTL ngày 7/1/2011 báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề nghị Thủ tướng ban hành chỉ thị về xử lý vi phạm Luật Đê điều, khai thác cát sỏi xâm hại và gây mất an toàn cho công trình đê điều.

Ngày 25/3/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 447/CT-TTg về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê. Và Bộ NN&PTNN cũng có rất nhiều văn bản đôn đốc, đề nghị xử lý vi phạm và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng. Tuy nhiên, tình hình vi phạm vẫn diễn biến phức tạp.

Mới đây (ngày 27/10/2015), tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng BCĐ Phòng chống tội phạm của Chính phủ (Ban chỉ đạo 138/CP) và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về đấu tranh, ngăn chặn vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông.

Tại cuộc họp, các cơ quan chức năng cho biết hiện có khá nhiều dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa và luồng hàng hải kết hợp với tận thu cát được cơ quan chức năng cấp phép triển khai.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hoạt động nạo vét, các đơn vị được cấp phép có dấu hiệu lợi dụng giấy phép để tổ chức khai thác cát ngoài khu vực, thực hiện không đúng đề án nạo vét đã được cơ quan nhà nước phê duyệt, gây sạt lở, xâm thực, đe dọa an toàn đê sông, đê biển….

Hoan - quyền (Thương hiệu & Công luận)