Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta từ năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19 đang có xu hướng chững lại. Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam vẫn còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc.

Ảnh minh họa internet
Vì sao, cải cách môi trường kinh doanh đây đang có xu hướng chững lại? Ảnh minh họa internet.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, trên thực tế, nhiều cải cách điều kiện kinh doanh đã thực hiện trên văn bản, nhưng chưa có đánh giá về hiệu quả thực thi. Mặc dù, số lượng dịch vụ công trực tuyến theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cải thiện mạnh mẽ song việc thực thi còn mang tính hình thức. Tại một số địa phương, những nỗ lực cải cách chưa rõ nét, còn hình thức và chưa thực sự bám sát với thực tiễn doanh nghiệp.

“Cải cách môi trường kinh doanh 02 năm gần đây đang có xu hướng là chững lại, thách thức lớn và cần khơi dậy động lực và tạo áp lực cải cách và cần sự đồng hành của nhiều bên hơn. Do dịch bệnh nên cải cách chững lại, thậm chí có thêm một số các yêu cầu đưa ra còn tạo thêm gánh nặng về thủ tục cũng như chi phí cho doanh nghiệp. Đối với nỗ lực cải cách một số địa phương chưa rõ nét, theo đó, trong nhiều địa phương cũng có những chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp sở ban ngành, nhưng mà gần như làm thế thôi cũng chưa thực sự là gắn với doanh nghiệp”, bà Nguyễn Minh Thảo chỉ rõ.

Ảnh minh họa internet
Vì sao, cải cách môi trường kinh doanh đây đang có xu hướng chững lại? Ảnh minh họa internet.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Chính phủ để phục hồi và gia tăng tốc độ tăng trưởng sau đại dịch. Cộng đồng doanh nghiệp đã chịu tác động nặng nề của đại dịch và đang rất cần một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn, giảm chi phí để phục hồi, mở rộng đầu tư kinh doanh.

Theo Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn, cần có sự đồng bộ và đồng đều hơn giữa các cơ quan, bởi các doanh nghiệp thường thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Do đó, việc cải cách cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ và có tính liên ngành là rất quan trọng, nhằm rút ngắn thời gian, giảm thục tục cho doanh nghiệp.

“Trong Nghị quyết 02 của năm 2022 này và những năm tới nên đề trọng tâm là thúc đẩy thực thi về chất lượng thực hiện. Bởi vì chính sách chủ trương chúng ta có đủ rồi, nhưng những cải cách đấy phải diễn ra một cách thực chất, nhanh chóng trong thực tế. Trong quá trình thực thi này thì vai trò của các Hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp là hết sức quan trọng, họ thụ hưởng thực tế như thế nào thì mới là tiêu chí để đánh giá, đối với những cái cải cách đấy có đi vào cuộc sống hay không, có được đánh giá cao? Nếu không chỉ đánh giá từ chính các cơ quan Nhà nước thì theo chúng tôi chưa thực sự khách quan”, ông Đậu Anh Tuấn nêu ý kiến.

Q.N (t/h)