Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu xuất khẩu từng ngành hàng chủ đạo tháng Hai và 02 tháng đầu năm. Theo đó, trong 46 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chỉ có 9 mặt hàng tăng trưởng dương so với cùng kỳ trong hai tháng đầu 2022.

Xuất khẩu gạo tăng 6%. Ảnh internet
Xuất khẩu gạo tăng 6%. Ảnh internet.

Cụ thể 9 mặt hàng gồm: Xăng dầu các loại, tăng 18,5%; Rau quả tăng 12,4%; Dây điện và dây cáp điện tăng 9,6%; Phương tiện vận tải và phụ tùng; Điện thoại và các loại linh kiện; Đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận; Sản phẩm hóa chất; Dầu thô; Gạo đều tăng 6%.

Xét về trị giá xuất khẩu, điện thoại các loại và linh kiện dẫn đầu với 9,2 tỷ USD. Đây cũng là mặt hàng xuât khẩu giữ được "phong độ" khi không rơi vào nhóm tăng trưởng âm. Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay của mặt hàng này tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, các mặt hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất là xơ, sợi dệt các loại với mức giảm 38,4%; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ giảm 34,1% và gỗ và sản phẩm gỗ giảm 31,8%; hàng thủy sản giảm 29,1%; cao su giảm 28,3%; sắt thép các loại giảm 25,7%; hóa chất giảm 24%; sản phẩm từ chất dẻo giảm 20,5%; hàng dệt may giảm 19,6%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày giảm 16,6%; giày dép các loại giảm 16%; túi xách, ví, va li, mũ, ô, dù giảm 15,3%; sản phẩm từ sắt thép giảm 11,5%; cà phê giảm 9,5%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 8,5%; hạt điều giảm 7,4%; kim loại thường khác và sản phẩm giảm 6,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác giảm 3,5%.

Ảnh internet
Xuất khẩu rau quả tăng 12,4%. Ảnh internet.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa hai tháng đầu năm 2023, Trung Quốc là thị trường có quan hệ thương mại hai chiều lớn nhất với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 22,8 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2022. Hoa Kỳ đứng ở vị trí thứ hai với 15 tỷ USD, giảm 19,8%. Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ ba với 11,7 tỷ USD, giảm 15,7%. ASEAN ước đạt 10,8 tỷ USD, giảm 10,5%; EU ước đạt 9 tỷ USD, giảm 12,3%.

Trong hai tháng đầu năm 2023, nhập siêu từ Trung Quốc 6,4 tỷ USD, giảm 39,8% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Hàn Quốc 4,7 tỷ USD, giảm 27,2%; nhập siêu từ ASEAN 1,5 tỷ USD, giảm 23,9%; xuất siêu sang EU ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 1,8%.

Xuất khẩu điện thoại và các loại linh kiện điện tử tăng 6%. Ảnh internet
Xuất khẩu điện thoại và các loại linh kiện điện tử tăng 6%. Ảnh internet.

Trước đó, trong báo cáo kinh tế Việt Nam tháng 02/2023, do ông Brian Lê Shun Rong, chuyên gia nghiên cứu Kinh tế vĩ mô, và ông Chua Hak Bin, Kinh tế trưởng của Tập đoàn Maybank Investment Banking, công bố chỉ ra rằng, với sự gia tăng xuất khẩu và giảm nhập khẩu trong tháng Hai, cán cân thương mại hàng hóa đã tăng lên 2,3 tỷ USD (so với 656 triệu USD trong tháng 01/2023), đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2022.

Hai chuyên gia vẫn duy trì dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 6,3%. Theo đó ước tính mức tăng trưởng GDP trong quý I/2023 (được công bố vào ngày 29/03) rơi vào khoảng 4,8% (so với 5,9% trong quý II/2022), với sự suy giảm sản xuất do xuất khẩu sụt giảm trong khi các dịch vụ phục vụ trực tiếp vẫn được hỗ trợ bởi doanh thu bán lẻ ổn định và lượng khách du lịch phục hồi.

Theo các chuyên gia, tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu hai tháng đầu năm giảm 10,4% so với cùng kỳ, cùng với việc khu vực sản xuất công nghiệp yếu đi cho thấy sức khỏe của nền kinh tế gặp thách thức lớn. Thực tế, từ những tháng cuối năm 2022, suy giảm xuất khẩu đã diễn ra ở nhiều lĩnh vực như dệt may, da giày; sản phẩm gỗ và máy móc,… Ngoài ra, rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ càng khiến tình hình trở nên khó khăn hơn vì đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhiều mặt hàng từ Việt Nam.

Công Huy (t/h)