Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, NHNN cho biết đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vốn nhà nước cho BIDV từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 và chỉ đạo Vietcombank, VietinBank hoàn thiện lại phương án tăng vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021…
Các ngân hàng được chấp thuận gồm: NHTMCP Phát triển TP.HCM, Quân Đội, Đông Nam Á, Á Châu, Quốc tế, Tiên Phong, Bưu điện Liên Việt, Bắc Á, Việt Á, Việt Nam Thương Tín, Kỹ thương, Xuất Nhập Khẩu, Phương Đông, An Bình, Sài Gòn - Hà Nội, Bản Việt, Hàng Hải, Kiên Long, Nam Á, Quốc Dân, Việt Nam Thịnh Vượng.
Chia sẻ về các kế hoạch tăng vốn này, lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết. Qua đó sẽ giúp ngân hàng củng cố tiềm lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng, đáp ứng kế hoạch tăng trưởng liên tục hàng năm.
Mới đây, NHNN đã có văn bản chấp thuận việc VietinBank tăng vốn điều lệ thêm gần 5.643 tỷ đồng, theo phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chia cổ tức tiền mặt năm 2020.
Ngân hàng Quốc dân (NCB) cũng vừa thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ năm 2024. Số lượng chào bán là 620 triệu cổ phiếu, tương đương 6.200 tỷ đồng. Như vậy, vốn điều lệ NCB dự kiến sẽ tăng từ 5.601 tỷ đồng lên 11.801 tỷ đồng. Sau khi phát hành thành công, vốn nhà băng này sẽ nằm trong nhóm vốn 10.000 - 20.000 tỷ đồng, nhưng vẫn xếp sau Sacombank, SeABank, LienVietPost Bank... “Việc chào bán cổ phiếu nhằm bổ sung thêm vốn cho kinh doanh, tăng năng lực tài chính, mở rộng hoạt động kinh doanh tại các địa bàn kinh tế trọng điểm... Thời gian phát hành sẽ thực hiện ngay sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận và dự kiến hoàn thành vào quý 4 năm sau”, theo ngân hàng NCB.
Được biết, lần tăng vốn gần nhất NCB diễn ra năm 2022. Kết quả của đợt chào bán cổ phiếu của NCB hồi tháng 03/2022 đã đánh dấu sự xuất hiện của một số cổ đông mới trong vai trò cổ đông của ngân hàng này.
Bức tranh tài chính của nhà băng này mang nhiều màu sắc vô cùng ấn tượng. Đáng chú ý, năm 2022 NCB đánh dấu một năm có lợi nhuận rất thấp khi lợi nhuận sau thuế chỉ đúng 8 triệu đồng.
Theo lãnh đạo NCB, nguyên nhân chủ yếu do tình hình biến động chung của nền kinh tế, thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản. Tình hình thị trường nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, cá nhân là khách hàng của NCB, dẫn đến khoản thu nhập thuần và hoạt động khác đều sụt giảm.
Vào tháng 07/2021, bà Bùi Thị Thanh Hương được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT NCB.
Đến tháng 10/2021, Sun Group và NCB chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện. Tại sự kiện, bà Bùi Thị Thanh Hương cho biết việc hợp tác toàn diện với Sun Group sẽ giúp ngân hàng có cơ hội tiếp cận tiếp khách hàng giá trị, đặc biệt là khách hàng cá nhân cao cấp. Đồng thời giúp ngân hàng sớm hoàn thành đề án cơ cấu lại được Chính phủ và Ngân hàng nhà nước phê duyệt.
"Việc hợp tác giữa Sun Group và NCB sẽ góp phần nâng tầm hiệu quả hoạt động của mỗi bên và chuẩn bị sẵn nền tảng cho sự bứt phá trong thời gian tới", dòng thông tin đăng tải trên website NCB thời điểm hai bên ký kết.
Giữa tháng 11 vừa qua, NCB đã tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu bổ sung thêm thành viên HĐQT. Hai thành viên HĐQT mới là ông Dương Thế Bằng và bà Nguyễn Thị Hài Hòa.
Theo báo cáo thường niên 2022 của NCB, ngân hàng không có cổ đông lớn. Bà Bùi Thị Thanh Hương là Chủ tịch nhưng không nắm cổ phần có quyền biểu quyết tại NCB.
Minh An(t/h)