Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2021 dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có ngành Giáo dục. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi, gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực.

Theo thống kê, tính đến ngày 09/01/2022, cả nước có 9 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp cho tất cả học sinh trên địa bàn, 35 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến và 19 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.

Trong điều kiện khó khăn, ngành Giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động để ứng phó với dịch Covid-19 nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các hoạt động của ngành. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản và triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng để chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, cơ sở giáo dục ứng phó với dịch Covid-19.

Về lý giải do dịch bệnh nên hơn 70.000 sinh viên không ra trường đúng hạn được của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều chuyên gia thắc mắc. Giáo dục đã áp dụng công nghệ, học, khai giảng... đều trực tuyến thì việc sinh viên không ra trường đúng hạn được lỗi do dịch bệnh xem ra chưa đúng? Còn có lý do nào xác thực hơn không? 

Băn khoăn của chuyên gia giáo dục không phải là không có lý. Bởi, các trường đại học đã áp dụng đóng học phí, nhập học trực tuyến thì không có gì khó khăn khi ra trường trực tuyến cả. "Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét lại quy trình, cách thức điều hành, tránh tình trạng lãng phí nguồn nhân lực không thể đưa vào sử sụng vì thiếu cái bằng, cái chứng chỉ...", một chuyên gia nói.

Q.N (t/h)