Tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp thứ 2, sáng 24/10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 và dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao báo cáo đã được các cơ quan chủ trì cũng như cơ quan thẩm tra xây dựng hết sức công phu, nghiêm túc, số liệu minh chứng sinh động, cụ thể, sát với tình hình thực tế.
Các đại biểu Quốc hội khẳng định năm 2021, Chính phủ, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm thực hiện các nhiệm vụ Quốc hội giao trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, đồng thời tích cực bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Tổ chức phiên tòa trực tuyến là cần thiết
Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến là một nội dung lớn thu hút sự quan tâm, đóng góp ý kiến của hầu hết đại biểu Quốc hội khi thảo luận.
Tổ chức phiên tòa trực tuyến là hình thức xét xử trực tiếp với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Các yêu cầu khác của một phiên tòa vẫn theo quy định của pháp luật. Việc tổ chức tòa án điện tử, phiên tòa trực tuyến đòi hỏi điều kiện về hạ tầng công nghệ, nền tảng số hóa, nhất là việc số hóa toàn bộ hồ sơ, chứng từ… Tất cả các khâu phải có một hệ thống công nghệ, phương tiện, trang thiết bị hiện đại, mạng nối kết tốt để phiên tòa không bị gián đoạn.
Ý kiến của các đại biểu Lê Thất Hiếu (Vĩnh Phúc), Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa-Vũng Tàu), Hoàng Thị Đôi (Sơn La)… cho rằng theo kinh nghiệm của các nước, việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là xu thế tất yếu. Ở nước ta, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến không trái với đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước cũng như phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Thời gian gần đây, dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài, do thực hiện giãn cách xã hội, nhiều tòa án không thể đưa vụ án ra xét xử theo thời gian luật định. Việc này làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động tư pháp, quyền và lợi ích của nhà nước, tổ chức và cá nhân.
Trên thực tế, dịch Covid-19 không chỉ làm ảnh hưởng đến hoạt động xét xử nói chung mà còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khác của tố tụng hình sự như giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra vụ án hình sự và truy tố.
Nhấn mạnh dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp, khó lường tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động xét xử bình thường của ngành tòa án, vì vậy, việc ứng dụng khoa học, công nghệ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc khi tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự trong bối cảnh hiện nay là cần thiết. Tuy nhiên đại biểu Lê Thất Hiếu (Vĩnh Phúc) cho rằng đây là vấn đề mới, do đó chỉ nên tổ chức các phiên tòa trực tuyến có tính chất đơn giản, có chứng cứ, tài liệu rõ ràng và vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Đồng quan điểm nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa-Vũng Tàu), Nguyễn Văn Thuận (Ninh Thuận) khẳng định việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành tòa án, vừa góp phần khắc phục tình trạng án tồn đọng, vừa phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tư pháp không chậm trễ, tiết kiệm chi phí xã hội và cũng phù hợp với xu thế quốc tế, tình hình, bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Tuy nhiên, đây là phương thức tố tụng mới trên nền tảng số nên cần thực hiện thí điểm, triển khai trên từng địa bàn, có đầu tư thỏa đáng về trang thiết bị, cơ sở vật chất, kỹ thuật đồng bộ, hiện đại để bảo đảm chất lượng phiên tòa, nhất là ở cấp huyện, thị xã.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành thông tư, các văn bản hướng dẫn ngay khi Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực truyến được thông qua để sớm áp dụng trong thực tiễn.
Khẳng định việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là xu hướng tất yếu, song đại biểu Trần Đình Văn (Lâm Đồng) cho rằng vấn đề hạ tầng kỹ thuật, sự đồng bộ giữa giữa các cấp tòa án trong tổ chức phiên tòa trực tuyến vẫn là vấn đề lớn đặt ra cần được đặc biệt quan tâm, xem xét để việc tổ chức phiên tòa dù trực tuyến hay trực tiếp thì vẫn phải bảo đảm đáp ứng chặt chẽ yêu cầu về pháp lý, tiến độ, chất lượng xét xử.
Phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật đạt nhiều kết quả tích cực
Các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh năm 2021, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp, sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, việc phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực và đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội.
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng việc phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình trên thực tế. Nhiều vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm vẫn diễn ra ở nhiều địa phương nhưng chủ yếu là xử lý hành chính. Bên cạnh đó, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng và xảy ra ở nhiều lĩnh vực, số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng trăm tỷ đồng với nhiều thủ đoạn tinh vi; các hành vi chống người thi hành công vụ có xu hướng gia tăng…
Từ những hạn chế nêu trên, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Nguyễn Văn Thuận (Ninh Thuận) đề nghị các cơ quan chức năng cần triển khai đồng bộ hơn nữa các giải pháp trong công tác phòng chống tội phạm, đi liền với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, giải thích pháp luật để nâng cao ý thức, tinh thần thượng tôn pháp luật ở các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và trong toàn xã hội.
Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Thị Đôi (Sơn La), Nguyễn Thanh Hải (Thừa Thiên- Huế), Lã Thanh Tân (Hải Phòng)… kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan quan tâm hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị, biên chế cho lực lượng trực tiếp làm công tác phòng, chống tội phạm ở các địa phương, nhất là xây dựng quy định có lộ trình đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp nguồn lãnh đạo và cán bộ ở các cấp, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, bởi vì con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển.
Theo ý kiến một số đại biểu, dịch Covid-19 có thể vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các đối tượng tội phạm sẽ lợi dụng tình hình để thực hiện hành vi phạm tội, nhất là những hành vi phạm tội tinh vi, sử dụng công nghệ cao. Do vậy, đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành chức năng tăng cường công tác phối hợp phát hiện, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm trên không gian mạng, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tội phạm tín dụng đen, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, buôn bán hàng giả, các loại vật tư y tế, thuốc chữa bệnh không đảm bảo chất lượng…
Liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, nhiều ý kiến đại biểu khẳng định năm 2021 công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo với quyết tâm mạnh mẽ, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và đã đạt được những kết quả tích cực. Qua đó, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Tuy nhiên, ý kiến một số đại biểu cũng cho rằng công tác phòng chống tham nhũng còn có tồn tại, bất cập, trong đó cơ chế kiểm soát quyền lực nhiều lúc chưa đủ mạnh, chưa được hoàn thiện nên dễ dẫn đến sự tha hóa, lạm quyền, lộng quyền và đó là nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng. Việc thu hồi tài sản tham nhũng ở nhiều vụ án tham nhũng thấp.
“Tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần đề xuất, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, biện pháp để kịp thời thu hồi tài sản do tham nhũng mà có, tránh tẩu tán tài sản”, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) phát biểu.
Ngoài ra, một số đại biểu nhận định kết quả điều tra, xét xử, thi hành án cho thấy vừa qua đã có rất nhiều vụ án lớn được xét xử nghiêm minh, được dư luận, cử tri đồng tình. Tuy nhiên, đến nay có một số vụ án, vụ việc đã xảy ra từ rất lâu, được các đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội nhiều lần kiến nghị, kể cả tại các phiên họp, các diễn đàn Quốc hội và các phiên phát thanh, truyền hình trực tiếp, được cử tri và nhân dân quan tâm. Các đại biểu đề nghị các cơ quan hữu quan đặc biệt quan tâm, nghiên cứu xem xét, sớm giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng kéo dài.
Từ 1/10/2020-30/9/2021, các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ, đạt tỉ lệ 87,05%. Trong đó, án rất nghiêm trọng đạt 95%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt gần 96,6%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục được kéo giảm 8,06%.
Số vụ phạm tội về quản lý kinh tế phát hiện tăng 1,87%, số vụ phạm tội về tham nhũng phát hiện tăng 22,44%. Tuy nhiên, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp; nhất là các vi phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, xã hội hóa y tế và chỉ định thầu mua trang thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo CP