Sự gia tăng tần suất các cuộc tập trận và hoạt động tự do hàng hải của Mỹ cùng các đối tác tại Biển Đông nhằm gửi thông điệp cứng rắn tới Bắc Kinh rằng, các yêu sách chủ quyền phi lý của họ sẽ không bao giờ được công nhận. Nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách gây hấn, không chỉ thực hiện những cuộc tuần tra trên vùng biển này mà còn mở rộng các thách thức hành chính nhằm cản trở tàu thuyền của các nước khác.

Tàu hải cảnh Trung Quốc. Ảnh: Sino Defense.
Tàu hải cảnh Trung Quốc. Ảnh: Sino Defense.

Trong Luật an toàn giao thông hàng hải sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/9, Trung Quốc yêu cầu tàu nước ngoài “báo cáo thông tin chi tiết” về tàu và hàng hóa cho các cơ quan quản lý Trung Quốc bất cứ khi nào đi vào vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố là “lãnh hải” của mình. Nhiều quốc gia đã nhanh chóng đặt câu hỏi yêu cầu như vậy sẽ được áp dụng như thế nào và ở đâu?

Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho biết, đây là quy định mới do Cơ quan an toàn hàng hải (MSA) Trung Quốc đưa ra. Theo đó, người điều khiển tàu ngầm, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ và tàu chở dầu, hóa chất, khí hỏa lỏng cùng các chất độc hại và các tàu "có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc", phải khai báo thông tin chi tiết khi họ đến lãnh hải Trung Quốc. Quy định nêu rõ các tàu phải khai báo danh tính, số hiệu, vị trí tàu, địa điểm và ngày giờ khởi hành, địa điểm sắp đến tiếp theo và ngày giờ dự kiến đến, số điện thoại vệ tinh, tên hàng hóa nguy hiểm và số lượng cụ thể. 

Vi phạm UNCLOS

Chuyên gia Aristyo Rizka Darmawan của Trường Đại học Indonesia cho rằng, luật mới được Trung Quốc ban bố một cách vội vàng, có thể vi phạm "quyền đi lại không gây hại" được quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Theo ông Rizka Darmawan, những yêu cầu như vậy từ lâu đã gây tranh cãi trong lịch sử đại dương vì nó gây ảnh hưởng an ninh của các quốc gia ven biển và quyền tự do đi lại. Chính vì vậy, UNCLOS đã tìm cách đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan bằng cách đưa ra “quyền đi lại vô hại” trong lãnh hải của các quốc gia ven biển, tạo ra một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của luật biển hiện đại.

Đi lại vô hại ở đây được hiểu là tàu thuyền của các quốc gia khác có quyền đi ngang qua lãnh hải của quốc gia ven biển mà không vào nội thuỷ, không đậu lại tại các công trình cảng hay một vũng tàu ở bên ngoài nội thủy. Việc đi qua này phải được tiến hành liên tục, nhanh chóng và “không phương hại đến hòa bình, trật tự hoặc an ninh của các quốc gia ven biển”. Nếu một tàu, thuyền nước ngoài đang thực hiện việc di chuyển không gây hại, các quốc gia ven biển sẽ không được phép cản trở, trừ khi chiếc tàu đó vi phạm quy tắc thông qua những hành động như đe dọa dùng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hoặc nền chính trị độc lập của nước sở tại.

Chuyên gia Aristyo Rizka Darmawan nhấn mạnh, điều kiện quan trọng là sự vi phạm phải xảy ra bên trong lãnh hải của một nước, trong khi đó, Trung Quốc lại đưa ra yêu sách chủ quyền phi lý với hầu hết Biển Đông thông qua yêu sách "đường chín đoạn" và yêu sách phi pháp này đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế bác bỏ vào năm 2016.

Ông Rizka Darmawan lưu ý, quy định mới của Trung Quốc cũng rất mơ hồ. Theo thông báo của Cơ quan An toàn Hàng hải Trung Quốc, ngoài những tàu thuyền kể trên, chưa rõ các tàu thuyền khác có phải khai báo thông tin hay không. Và trong số đó, liệu có phải chỉ những tàu thuyền bị cho là “gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc” mới phải khai báo hay không. Chuyên gia này cho rằng, sự mơ hồ như vậy có thể được đưa ra một cách cố ý.  

"Quả bom hẹn giờ” ở Biển Đông

Tiến sĩ Monika Chansoria, Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Các vấn đề Quốc tế Nhật Bản (JIIA) ở Tokyo nhận xét, việc sửa đổi luật an toàn giao thông hàng hải là động thái mới nhất tiếp nối một loạt các hành động của Trung Quốc gây leo thang căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông từ năm 2020.

“Tất cả những tuyên bố này rất đáng báo động vì chúng làm gia tăng nguy cơ xảy ra những tính toán sai lầm, có thể đe dọa sự ổn định và an ninh tại Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan”, ông Chansoria cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua email của Indian Express.

Ông Su Tzu-yun, chuyên gia phân tích cấp cao của Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh Đài Loan lưu ý, nhiều quốc gia đã lo ngại việc Trung Quốc lợi dụng luật pháp để thực thi chiến thuật “vùng xám” ở Biển Đông.

Theo chuyên gia này, Trung Quốc cho rằng họ có quyền tài phán đối với một khu vực rộng lớn hơn chứ không chỉ riêng vùng biển ven bờ. Khu vực đó bao gồm cả phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà nước này chiếm đóng và bối lấp trái phép ở Biển Đông. Luật mới sẽ tạo cho Bắc Kinh cái cớ để đáp trả các cuộc tập trận và hoạt động tự do hàng hải mà những quốc gia khác thực hiện ở Biển Đông. Ông nhấn mạnh, nếu không có biện pháp ngăn cản thì hành vi của Trung Quốc chẳng khác nào “quả bom hẹn giờ” chực chờ bùng nổ làm tan biến mọi ý niệm về hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Peter Jennings, người đứng đầu Viện Chính sách Chiến lược Australia cho rằng, ý đồ của Trung Quốc là buộc các nước khác “phải thừa nhận quyền kiểm soát của họ” đối với Biển Đông.

“Luật mới của Trung Quốc gây ra vấn đề lớn vì 2 lý do: Thứ nhất, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông là phi pháp và đã bị Tòa án Quốc tế bác bỏ. Thứ hai, Biển Đông là tuyến đường thủy quan trọng. Nếu Trung Quốc nói rằng họ có thể ngăn chặn việc tiếp cận hàng hải với một khu vực nào đó không thuộc chủ quyền của họ thì Bắc Kinh đang tạo ra mối đe dọa hiện hữu với những quốc gia có liên quan”, ông Jennings nói./.

Theo Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)