Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt hơn 4,5 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, Việt Nam cũng chi khoảng 3,6 tỷ USD để nhập khẩu các nguyên liệu chính như ngô, đậu tương cho sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Cụ thể, 10 tháng đầu năm, nhập khẩu ngô đạt 7,5 triệu tấn, tương đương gần 2,6 tỷ USD, giảm 11% về lượng nhưng tăng 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Bình quân giá ngô nhập khẩu ở mức 351 USD/tấn, tăng 24%.
Tương tự, nhập khẩu đậu tương ở mức gần 1,4 triệu tấn, tương đương 975 triệu USD, giảm 9% về lượng nhưng tăng 10% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) hiện cả nước có 269 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp dạng hỗn hợp hoàn chỉnh với tổng công suất thiết kế đạt 43,2 triệu tấn. Tuy nhiên, nguyên liệu cho sản xuất mới là vấn đề nan giải của ngành này.
Tổng nhu cầu thức ăn tinh phục vụ chăn nuôi khoảng 33 triệu tấn/năm, trong nước cung cấp được khoảng 13 triệu tấn/năm, chiếm 35%; còn lại 65% phụ thuộc vào nhập khẩu.
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi về thuế như: thuế VAT (0%); thuế nhập khẩu ngô giảm từ 5% xuống 2%; thuế nhập khẩu lúa mỳ giảm từ 3% xuống 0%; ưu đãi thuế cho doanh nghiệp sản xuất ở vùng kinh tế khó khăn… song mặt bằng giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao.
Lý giải điều này, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết giá các mặt hàng này neo cao sau khi xung đột Nga và Ukraine xảy ra, nguồn cung lúa mỳ, ngô và hướng dương cho thế giới bị gián đoạn.
Mặt khác, các nước sản xuất ngô lớn ở Nam Mỹ, châu Âu chịu tác động bởi biển động khí hậu và khủng hoảng năng lượng khiến chi phí tăng cao. Đồng thời, COVID-19 cũng ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Lê Pháp (t/h)