Dệt may hiện là ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam, đang đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu, chỉ sau nhóm hàng điện thoại. Tuy nhiên, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, ngành dệt may đã phải đối mặt với "cú sốc kép" về cả nguồn cung nguyên liệu thời điểm ban đầu và đầu ra sản phẩm ở thời điểm hiện tại.
Sản xuất khẩu trang ở một nhà máy tại Hưng Yên (Ảnh: Việt Hùng)
Trong bối cảnh đó, sản xuất khẩu trang trở thành một giải pháp để các doanh nghiệp dệt may có thể duy trì sản xuất, giữ chân công nhân và có thu nhập để giảm bớt thiệt hại do bị tạm dừng các đơn hàng.
Cục Xuất nhập khẩu nhận định, khả năng sản xuất khẩu trang của doanh nghiệp Việt Nam rất lớn, sau khi đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước thì có thể xuất khẩu. Việt Nam có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới.
“Sự tiếp cận nhạy bén và chuyển đổi nhanh chóng giữa các sản phẩm dệt may truyền thống với mặt hàng khẩu trang sẽ là bí quyết để các doanh nghiệp dệt may không chỉ cầm cự qua mùa dịch, mà còn có thể tạo ra một “sân chơi” mới, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp cũng như đất nước”, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh
Dù vậy, để coi sản xuất khẩu trang là một ngành sản xuất lâu dài, theo Cục Xuất nhập khẩu cần tính đến một số yếu tố.
Cụ thể là, trên thị trường thế giới, khẩu trang đồng nghĩa với khẩu trang y tế, việc sử dụng khẩu trang vải chưa phải phổ biến. Vì vậy, cần có sự thông tin, quảng bá thêm để người dùng nhận biết được lợi ích của khẩu trang vải và chuyển sang sử dụng loại khẩu trang này.
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại, tìm khách hàng cần được đẩy mạnh trong bối cảnh nhiều khách hàng nước ngoài chưa biết về khả năng sản xuất khẩu trang vải của Việt Nam.
Ngoài ra, khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở thành một mặt hàng thiết yếu nhưng khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu về khẩu trang cũng sẽ giảm xuống. Do vậy, đây là một mặt hàng có tính thời vụ, tính ổn định không cao.
“Chính vì vậy, các doanh nghiệp dệt may có thể tranh thủ khai thác thị trường tại thời điểm này, nhưng để coi đây là một sản phẩm lâu dài, đầu tư quy mô lớn thì cần thận trọng. Đã có một vài doanh nghiệp thông báo nhận được đơn hàng dài hạn về khẩu trang, nhưng con số này còn rất ít”, Cục Xuất nhập khẩu lưu ý.
Các doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang vải cũng cần lưu ý, thị trường các nước phát triển thường đòi hỏi yêu cầu cầu cao về chất lượng, tính an toàn với người sử dụng. Do vậy, các doanh nghiệp cần tìm hiểu về các tiêu chuẩn này để đáp ứng, xin các giấy chứng nhận phù hợp để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.
Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa lường được hết diễn biến của dịch bệnh nên vẫn phải luôn đề phòng khả năng dịch bệnh bùng phát, số ca nhiễm tăng cao. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang thực hiện mua dự trữ khẩu trang y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch về lâu dài. Vì vậy, việc quản lý chặt chẽ xuất khẩu khẩu trang y tế là cần thiết.
Tuy vậy, Cục Xuất nhập khẩu cũng nhận định, trong trường hợp Việt Nam và các nước khác khống chế được dịch Covid-19, khả năng cung ứng và dự trữ trong nước đối với mặt hàng này đáp ứng đủ nhu cầu, các bộ, ngành có thể phối hợp xem xét, kiến nghị Chính phủ biện pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang y tế.
PV