Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tối 10/4, Bộ Công thương cho biết chính thức khởi xướng điều tra đối với sản phẩm sợi dài làm từ polyester (PFY) từ các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Indonesia theo đơn yêu cầu từ các nhà sản xuất trong nước khởi kiện từ tháng 11-2019.

Theo các nguyên đơn, lượng nhập khẩu sợi PFY bán phá giá từ các nước trên đã tăng mạnh trong thời gian qua và là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất sợi PFY của Việt Nam.

Dữ liệu Tổng cục Hải quan ghi nhận lượng sợi PFY nhập khẩu vào Việt Nam tăng từ 154.000 tấn năm 2017 lên 185.000 tấn vào năm 2019, trong khi công suất thiết kế của các nhà sản xuất sợi PFY trong nước ước đạt 350.000 tấn/năm, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước (khoảng 270.000 tấn/năm).

Bộ Công thương cho hay trong quá trình điều tra, Bộ sẽ tiếp tục đánh giá những tác động kinh tế - xã hội để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà nhập khẩu, sử dụng sợi PFY trong nước nhằm hỗ trợ các ngành dệt may phát triển, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đặc biệt đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật quản lý ngoại thương, trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào kết quả điều tra sơ bộ, bộ có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời.

Do đó, bộ khuyến nghị tất cả các tổ chức, cá nhân đang xuất nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng hàng hóa bị điều tra đăng ký làm bên liên quan và cung cấp các thông tin cần thiết tới bộ để đảm bảo quyền và lợi ích của mình theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, các tổ chức, cá nhân trong quá trình ký kết hợp đồng nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng hàng hóa bị điều tra cần lưu ý về khả năng áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời và thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước.

Vương Hằng