Đây là nhận định của ông Christopher J Marriott, Tổng giám đốc Savills Đông Nam Á về sức hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngành sản xuất giá trị của Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung hiện nay.
Theo chia sẻ của ông Christopher J Marriott, các khoản đầu tư vào khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có xu hướng chuyển dịch vào lĩnh vực sản xuất, chuỗi cung ứng và trung tâm dữ liệu.
“Với sự phát triển của thương mại điện tử, mở rộng và đa dạng hoá chuỗi cung ứng chứng tỏ sự phát triển trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ở Đông Nam Á. Các quỹ đầu tư đang tập trung vào thị trường có sự phát triển của sản xuất và logistic. Thêm vào đó, sự phát triển công nghệ nói chung và thương mại điện tử nói riêng đã thúc đẩy nhu cầu về trung tâm dữ liệu để xử lý lưu lượng truy cập”, Tổng giám đốc Savills Đông Nam Á phân tích.
Dẫn số liệu Báo cáo đầu tư thế giới 2022 của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), đại diện Savills Đông Nam Á cho biết: Tại Châu Á, nơi nhận 40% vốn FDI toàn cầu, đã chứng kiến dòng chảy tăng trong năm thứ ba liên tiếp vào năm 2021 lên mức cao nhất mọi thời đại là 619 tỷ USD.
FDI vào Trung Quốc tăng 21% và ở Đông Nam Á tăng 44%. Trong hơn một năm qua, thị trường FDI tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương đã ghi nhận xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng một cách rõ nét của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, kéo theo nhu cầu lớn cho lĩnh vực bất động sản công nghiệp, thương mại đến từ các khách hàng này.
Chia sẻ bên lề Hội nghị Savills Cross-Border Tenant Advisory APAC 2022 tại TP.Hồ Chí Minh đầu tháng 08/2022, ông Dominic Harding, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng bộ phận Khách thuê xuyên biên giới Savills Hoa Kỳ bày tỏ, khi các công ty công nghệ của Mỹ mở rộng sang ra các thị trường nước ngoài, họ nhận thấy sự gia tăng của tầng lớp trung lưu trên khắp Đông Nam Á. Đây chính là thị trường mà họ muốn đầu tư và mở rộng doanh nghiệp để phát triển.
Đối với những lợi thế lớn mà Việt Nam có được ở thời điểm hiện, ông Christopher J Marriott cho rằng, đó là năng lực sản xuất nhóm ngành công nghệ cao. Ngành công nghệ đang được thúc đẩy bởi lực lượng lao động có trình độ cao. Hiện nay, chi phí sản xuất và logistics phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa tại Việt Nam đang ở mức rất hấp dẫn. Nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp và xuất khẩu hàng hoá đang bắt đầu cải thiện nhờ mạng lưới logistics nên các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Christopher J Marriott thông tin, khi so sánh với các thị trường khác trong khu vực, có thể thấy chi phí đầu tư tại Việt Nam rất phù hợp. Chi phí tại các thị trường như Singapore, Trung Quốc hiện nay đều đã tăng cao. Do đó, chi phí cho hoạt động kinh doanh cũng tăng cao, hoạt động xuất nhập khẩu trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp đang tìm đến những thị trường thay thế và Việt Nam đang làm rất tốt trong việc đón đầu các xu hướng đó, đặc biệt sau đại dịch.
Ở góc độ vĩ mô, Tổng giám đốc Savills Đông Nam Á nhận định, sự mở rộng chuỗi cung ứng và sản xuất đang được thúc đẩy bởi chính sách Trung Quốc + 1 với các công ty Trung Quốc có nhu cầu mở rộng sang thị trường nước ngoài và nhu cầu từ các công ty đa quốc gia mở rộng chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á. Việt Nam có thể được hưởng lợi từ các điều này. Việt Nam được đánh giá là một nơi có thái độ làm việc tốt, lực lượng lao động có trình độ cao. TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai thành phố lớn sản xuất các mặt hàng cao cấp về công nghệ và điện tử trên thị trường.
Với sự tăng trưởng đó sẽ là nền tảng cho các ngành công nghiệp cơ bản và ngành công nghiệp cấp cao trong lĩnh vực công nghệ và điện tử. Điều này sẽ thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực logistics, bất động sản từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển nền kinh tế.
Về lĩnh vực đầu tư, dẫn số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 10,7 tỷ USD, chiếm 63,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,3 tỷ USD, chiếm 19,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ; thông tin truyền thông với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 620,8 triệu USD và 518,9 triệu USD; còn lại là các ngành khác.
Nếu xét về số lượng dự án mới thì bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 30,3%, 25,3% và 16,1% tổng số dự án.
Trang Nguyễn