Tại Hội thảo Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Góc nhìn từ doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt do báo Nhân dân tổ chức chiều 22/4/2025, các chuyên gia, doanh nghiệp đã có những góp ý, kiến nghị đến dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt để tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào tháng 5/2025, với mục tiêu quan định hướng sản xuất, điều chỉnh hành vi tiêu dùng của xã hội, hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khỏe và môi trường.

Tuy nhiên, thông qua các đề xuất về bổ sung thêm mặt hàng chịu thuế, tăng thuế suất, lộ trình tăng thuế…, những nội dung sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt lần này sẽ có tác động rất lớn đến chuỗi sản xuất của nhiều ngành hàng, từ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đến phân phối, dịch vụ. Đặc biệt, việc thay đổi cách tính thuế vào thời điểm hiện tại sẽ tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành bia-rượu vốn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 cũng như tác động từ một số cơ chế chính sách liên quan.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam bày tỏ, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, đồ uống có tác động đặc biệt tới ngành bia, rượu, nước giải khát. Trong Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang trình Quốc hội đề xuất phương án 2 - tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 65% lên 80%, là tăng 15%/lần. Đây là con số tăng thuế sốc khiến các doanh nghiệp của ngành đồ uống, đặc biệt là ngành bia, rượu quan ngại lo lắng.

Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính, Chính phủ khi ban hành chính sách thuế cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn trong điều kiện kinh tế và điều kiện thực tế của ngành; cẩn trọng, hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, với ngành bia, rượu, đề xuất lùi hiệu lực tăng thuế tiêu thụ đặc biệt tới năm 2028; tăng thuế 5%/năm trong 5 năm. Với ngành nước giải khát, chưa nên bổ sung mặt hàng giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
“Chúng tôi mong các chính sách thuế được ban hành phải bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, Nhà nước cũng như của người dân. Mong muốn của chúng tôi là được đóng góp tốt nhất cho phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt với kịch bản tăng trưởng kinh tế 8% và tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo”, ông Việt bày tỏ.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính-Tiền tệ quốc gia góp ý: Cần tính toán lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp, tránh gây “sốc” cho doanh nghiệp và thị trường; Xem xét áp dụng mức thuế suất khác nhau theo nồng độ cồn, hàm lượng đường,..., tránh cào bằng (chẳng hạn như nồng độ càng cao, thuế suất cũng sẽ tăng theo); Xem xét giãn thời điểm áp dụng luật, ví dụ lùi đến năm 2028, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thích ứng và chuyển đổi sản xuất; Đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp: bảo vệ các sản phẩm chính ngạch, chống buôn lậu, trốn thuế, hàng nhái, hàng giả; nâng cao nhận thức, ý thức của cả người dân và doanh nghiệp; tăng cường năng lực của cơ quan quản lý thuế, chính quyền địa phương; Bảo đảm đồng bộ với các luật liên quan như Luật phòng chống tác hại rượu bia, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quảng cáo, Luật Giá trị gia tăng, Luật Chất lượng sản phẩm-hàng hóa…
Bên cạnh đó, bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng, Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì kiến nghị, chính sách thuế cần đặt trong tổng thể các giải pháp thúc đẩy nội lực doanh nghiệp và bảo đảm ổn định kinh tế-xã hội.
TS Nguyễn Văn Phụng, Chuyên gia tư vấn chính sách thuế, Trưởng Ban Hỗ trợ doanh nghiệp, Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đề nghị, với dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, cần nghiên cứu tham khảo các thông tin, số liệu trong “Báo cáo đánh giá tác động của Dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia” do Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công thương - Bộ Công thương, Viện Nghiên cứu Đồ uống Việt Nam phối hợp với nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổng cục Thống kê thực hiện. Theo đó, phương án 1 của Dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt cần được ưu tiên so với phương án 2, nếu chỉ được chọn trong khuôn khổ dự thảo.
TS, Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình góp ý, một lộ trình tăng thuế hợp lý, về cả mức thuế và thời gian áp dụng đối với các doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, sẽ giúp hài hòa được việc đạt được mục tiêu của sắc thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành rượu bia như Ban Soạn thảo đề ra, đồng thời sẽ giúp khoan thư sức doanh nghiệp, hỗ trợ để hồi phục và đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở tốc độ cao trong năm nay và những năm tới.
Về phía các doanh nghiệp chịu thuê tiêu thụ đặc biệt, ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc Quan hệ đối ngoại Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam kiến nghị, Quốc hội và Chính phủ nên cân nhắc kỹ lưỡng, lùi thời điểm xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia sang năm 2027 nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp thích ứng với các biến động bên ngoài, ổn định hoạt động sản xuất-kinh doanh, đồng thời giúp cơ quan soạn thảo có thêm thời gian xem xét lại tình hình, đánh giá kỹ lưỡng các tác động đến tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Ông Phúc cũng kiến nghị, tùy theo tình hình thực tế vào thời điểm năm 2027, Ban soạn thảo có thể đề xuất phương án tăng thuế ở mức phù hợp như ngành đã đề xuất để vừa bảo đảm nguồn thu cho ngân sách, vừa hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững cũng như đạt được mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng của Chính phủ.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng Giám đốc SATRACO (Thành viên Ban Điều hành Sabeco) nói, doanh nghiệp lo ngại, trong trường hợp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng bia “tăng sốc” như đề nghị của Bộ Tài chính sẽ là “một đòn đánh rất mạnh” vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Sabeco kiến nghị Bộ Tài chính, Chính phủ và Quốc hội cân nhắc điều chỉnh mức tăng thuế và lộ trình tăng thuế theo đề nghị của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), cụ thể là theo Phương án 1 của Chính phủ đã trình Quốc hội nhưng giãn hiệu lực thực hiện đến năm 2028 thay vì năm 2026 như hiện nay.

Ông Bùi Hữu Quang, Giám đốc Cấp cao, Quan hệ Doanh nghiệp - Chính phủ và Chiến lược, Carlsberg Việt Nam đề xuất, cần tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân trong nước có điều kiện để mở rộng sản xuất kinh doanh, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất đồ uống như rượu, bia. Các doanh nghiệp trong ngành bia, rượu, nước giải khát tại Việt Nam, trong đó có Carlsberg Việt Nam, đều ủng hộ mục tiêu của Chính phủ, nhưng đề xuất một lộ trình điều chỉnh thuế ở mức độ vừa phải và theo từng giai đoạn. Carlsberg Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác, đối thoại với các cơ quan hoạch định chính sách, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của ngành bia và kinh tế Việt Nam.
Ông Trần Đình Thanh - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO) tán thành và thống nhất với Hiệp hội Bia Rượu - Nước giải khát Việt Nam là giãn thuế, nhưng thời điểm năm 2028 còn khá sớm vì khi doanh nghiệp thực sự tăng lợi nhuận thì mới nên áp dụng tăng thuế.

Ông Lưu Đức Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính là cơ quan được Chính phủ giao dự án Luật này và phải bám sát vào chiến lược cải cách thuế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 508/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, trong đó có nêu định hướng phải sửa đổi bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt.
Sau khi được Chính phủ đồng ý, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội một số nội dung:
Một là, giãn lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng trong dự thảo luật, trong đó có mặt hàng bia, rượu. Trước đây, Chính phủ trình Quốc hội phương án tăng thuế là phương án 2, thì hiện nay để “đỡ sốc”, Chính phủ đề xuất thực hiện theo phương án 1 đã trình trước đây.
Hai là, có thể giãn bớt lộ trình chưa thực hiện từ năm 2026, mà thực hiện từ năm 2027.
“Hiện Ủy ban Kinh tế và Tài chính sẽ tổng hợp ý kiến của Bộ Tài chính, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội có phương án để đưa vào dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp tới”, ông Lưu Đức Huy nói.
Thu Trang