THCL – "Khoảng 90% người dân Việt Nam không học cũng có được việc làm. Tuy nhiên, việc làm mang đến thu nhập ổn định thì hầu như là con số rất thấp và Việt Nam đang bị nhiều nhà đầu tư xem là một thị trường lao động rẻ. Đó chính là lý do khiến cho nền kinh tế Việt Nam vẫn ỳ ạch".

Đó là ý kiến của nhiều giáo sư, tiến sỹ là hiệu trưởng của nhiều trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước, tại Diễn đàn “Hiện đại hóa giáo dục đại học, cao đẳng ở Việt Nam” - do Chính phủ Canada tài trợ.

Việt Nam: Giáo dục còn khoảng cách khá xa so với nhu cầu xã hội - Hình 1

Nhiều chuyên gia về giáo dục đều cho rằng, giáo dục của Việt Nam còn khoảng cách khá xa so với nhu cầu của xã hội (Ảnh:Bảo Lan)

Tại diễn đàn, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, xã hội càng phát triển thì nhu cầu đòi hỏi của hệ thống giáo dục chất lượng cao cũng không ngừng được nâng cao.

Tuy nhiên, các ý kiến đều đồng tình và có cùng một quan điểm, do chính sách về giáo dục của Việt Nam chưa rõ ràng và còn nhiều hạn chế. Vì vậy, hệ thống giáo dục Việt Nam cần phải mạnh mẽ thay đổi, từ việc điều tiết các chính sách vĩ mô, sao cho phải phù hợp trong bối cảnh chung của cả khu vực ASEAN và thế giới.

Lý giải ý kiến này, bác sỹ Bùi Trần Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Phú Yên cho biết: “Nếu chính phủ Việt Nam xây dựng được chương trình đào tạo đại học, cao đẳng đạt tiêu chuẩn chất lượng và đáp ứng như cầu trong nước, khu vực ASEAN và thế giới, thì khi sinh viên ra trường sẽ có đầu ra tốt và có thể xin việc vào bất cứ đâu dễ dàng mà không chỉ là các DN trong nước”.

Cùng quan điểm, TS. Lê Quang Minh nêu: “Giáo dục đóng vai trò quan trọng và là chìa khóa để kinh tế thịnh vượng, là thước đo dự báo chính xác nhất về thành công tương lai của một quốc gia và đó chính là nền giáo dục đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, lao động của Việt Nam hiện chưa qua đào tạo hiện nay chiếm đến 40,4 % (2011) và lại phân bố không đều”. 

Cũng theo TS. Lê Quang Minh: “Chúng ta không thể cứ khư khư giữ cái quan điểm Việt Nam là một nước lạc hậu nên phải chấp nhận một nền giáo dục lạc hậu. Điều này khiến cho sinh viên không có động lực để học, để nghiên cứu và thậm chí còn là một gánh nặng cho đất nước, khi sinh viên ra trường mà không có kỹ năng, sẽ chẳng có doanh nghiệp nào đón nhận”.

TS. Lê Quang Minh còn cho biết, trong một báo cáo về xã hội học cho thấy, những người không có học nhưng tỷ lệ có việc làm ở Việt Nam chiếm khoảng 95%. Tuy nhiên, Họ chỉ là những lao động chân tay và việc làm mang đến thu nhập ổn định thì hầu như là con số rất thấp và hiện nay, dưới góc nhìn của nhiều nhà đầu tư thì, Việt Nam đang là một thị trường lao động rẻ. Đó chính là lý do khiến cho nền kinh tế Việt Nam vẫn ỳ ạch".

Còn dưới góc nhìn của bà Harriet Roos, Thư ký thứ nhất về phát triển - Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada (GAC), thẳng thắn nhận xét: “Hệ thống giáo dục của Việt Nam chưa phát triển kịp theo sự phát triển của xã hội. Bởi hiện nay, nền giáo dục của Việt Nam, đặc biệt là hệ thống giáo dục đại học cao đẳng và cho sinh viên, còn thiếu các kỹ năng nghề nghiệp, khi mà xã hội đang cần những người có kỹ năng này”.

Lấy thực tế về tỷ lệ có việc làm của sinh viên tại Canada, TS. Daniel J.Patterson – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Niagara (Canada) chia sẻ: "Sinh viên ngày nay họ cũng cần có một chương trình đào tạo số, những kỹ năng nghề nhằm đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của xã hội, của doanh nghiệp. Bởi vậy, ở Canada, đã tạo ra sự cạnh tranh ngay tại các trường đại học, thông qua hệ thống giáo dục và lộ trình chuyển đổi giáo dục như thế nào phù hợp nhất".

TS. Daniel J.Patterson cũng cho rằng: "Việc thu hút sinh viên của các trướng đại học, ví như việc cung – cầu và sinh viên như người mua hàng. Nếu các trường đại học đáp ứng nhu cầu của sinh viên, thì trường đó chắc chắn sẽ thu hút sinh viên theo học".

Ông cũng cho biết, tại Trường Cao đẳng Niagara của ông, luôn xác định rõ mục tiêu, xây dựng một tầm nhìn chung và mang tính chiến lược. Chẳng hạn, trường đã xây dựng slogan “Làm giàu cuộc sống, thực hiện ước mơ” và trường đã đưa slogan này thành những hoạt động thực tiễn nên được sinh viên, giáo viên và phụ huynh rất quan tâm.

Việt Nam: Giáo dục còn khoảng cách khá xa so với nhu cầu xã hội - Hình 2

Bà Rena Bitte, nguyên Tổng lãnh sự Hoa Kỳ và lãnh đạo Bộ KH&CN nghe sinh viên Trường Bách khoa trình bày về "Công trình sáng tạo Robocom" do Trung tâm Giáo dục Hoa Kỳ tổ chức (Ảnh:Bảo Lan)

Bên cạnh đó, Niagara cũng đã xây dựng và duy trì bản lĩnh văn hóa của nhà trường. Bởi “Văn hóa nhà trường” không phải tự nó xảy ra, phát triển và tồn tại, mà phải được xây dựng và đo lường bằng chính chất lượng hài lòng của sinh viên. Thông qua các hoạt động như Hội thảo, các buổi nói chuyện, các chương trình liên kết trong đào tạo với các đơn vị bạn, Ngày tự ngẫm, Ngày tri ân…  tất cả các hoạt động đó đều đem lại những lợi ích thực tế về kỹ năng của sinh viên.

Theo TS. Daniel J.Patterson, có 4 mục tiêu quan trọng (1): Giao tiếp trên nhiều nền tảng nhằm thúc đẩy tham gia của các nhà làm chính sách và các bên liên quan; Xây dựng những chiến lược truyền thông ra bên ngoài; Phải có sự kết nối chặt chẽ và mang tính thực tiễn; Đầu tư chiến lược và đảm bảo các hướng phát triển được định vị sẵn sàng.

“Tôi biết sinh viên Việt Nam cũng rất cần những kỹ năng mềm nhưng theo khảo sát của nhiều tổ chức nghiên cứu về giáo dục, thì ngay ở đội ngũ giảng viên của Việt Nam hiện nay chưa tạo ra sự hứng thú học cho sinh viên. Sinh viên Việt Nam thiếu kỹ năng phản biện và tồn tại từ thời cấp trung học, khi họ học trong môi trường thụ động”, TS. Daniel J.Patterson khuyến cáo.

Vì vậy, theo TS. Lê Quang Minh: “Sinh viên Việt Nam cần phải được đào tạo kỹ năng phản biện từ những năm học PTTH, để có thể có những kết quả phản biện tốt đối với chương trình kiến thức cao hơn”.

Cô Vũ Thị Nga, giảng viên của một trường cao đẳng tại Quảng Ngãi cũng cho rằng, việc trường tìm đầu ra cho sinh viên, cũng như vấn đề tìm môi trường cho sinh viên thực tập cũng là vấn đề quan trọng.

TS. L.Petterson kiến nghị: “Ngân sách cũng là vấn đề quan trọng của việc đào tạo giáo dục chất lượng cao. Vì vậy, Chính  phủ Việt Nam cần phải mạnh mẽ đổi mới bằng việc trao quyền nhiều hơn cho giảng viên, sinh viên để họ có thể phát huy tư duy đổi mới sáng tạo trong giảng dạy và học tập”.

“Điều đó, giúp cho giảng viên mạnh dạn áp dụng những phương pháp giáo dục thực tiễn, tạo cho sinh viên hứng thú học tập. Sinh viên cũng có cơ hội nhiều hơn để xây dựng những dự án, thông qua những ý tưởng. Từ đó, tạo ra một môi trường giào dục chất lượng cho xã hội và góp phần vào việc phát triển kinh tế đất nước”, TS. Petterson nhấn mạnh.

Rõ ràng, để có một hệ thống giáp dục đào tạo chất lượng cao, Chính phủ và ngành giáo dục Việt Nam cần phải có một chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, cần phải chủ động liên kết với doanh nghiệp để hợp tác và đào tạo những sinh viên đáp ứng nhu cầu. Điều này sẽ tạo ra đầu ra cho sinh viên khi ra trường có được việc làm, góp phần vào các hoạt động có ích cho xã hội.

Bảo Lan