Trong đó, xuất khẩu vải tươi đạt hơn 75 nghìn tấn (chiếm 81,5% về mặt lượng), trị giá đạt 30,9 triệu USD; trong khi đó vải sấy khô đạt hơn 17 nghìn tấn với trị giá là hơn 9,9 triệu USD.
Xuất khẩu vải tăng mạnh trong niên vụ năm 2018
Trong niên vụ năm 2018, quả vải của Việt Nam đã có mặt tại 27 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, nhiều hơn so với niên vụ 2017 (chỉ là 19 quốc gia, vùng lãnh thổ). Các thị trường mà quả vải các loại của Việt Nam có mặt trong niên vụ 2018 bao gồm: Trung Quốc, Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Ôx-trây-li-a, Ả-rập-xê-út, Canada, Lào, Anh, Bahrain, Ma-lai-xi-a, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Thái Lan, Bỉ, Hoa Kỳ, Nauy, Đức, Pháp, Nga, Thụy Sĩ, Oman, Cô-oét, Thụy Điển, Ai-len, Xinh-ga-po và Căm-pu-chia.
Cụ thể, lượng xuất khẩu quả vải trong niên vụ 2018 sang Trung Quốc đạt hơn 83,5 nghìn tấn với trị giá là hơn 33,9 triệu USD, tăng mạnh 151% về lượng và tăng 91% về trị giá so với niên vụ 2017. Riêng lượng vải xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã chiếm tới 90,7% tổng lượng xuất khẩu vải của cả nước trong niên vụ này.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy số lượng doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xuất khẩu quả vải trong niên vụ 2018 cũng tăng đáng kể, cao gấp hai lần so với niên vụ 2017. Cụ thể trong niên vụ năm nay, có tới 97 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, trong khi đó con số này của năm 2017 chỉ là 44 doanh nghiệp.
Trong niên vụ vừa qua, xuất khẩu quả vải của Việt Nam được đăng kí tờ khai xuất khẩu ở khu vực của khẩu của Lạng Sơn, Lào Cai và Hà Giang. Vải các loại chủ yếu được xuất khẩu theo phương thức vận tải đường bộ và chỉ có một lượng rất ít vải xuất khẩu qua đường hàng không.
Huy Trung