VietCapital Bank đạt thu nhập lãi 738,7 tỷ đồng trong kỳ, tăng 22% so với Quý II/2017. Tuy nhiên chi phí hoạt động tăng 16% và đặc biệt chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh từ 18,3 tỷ đồng lên 118 tỷ đồng khiến nhà băng này chịu mức lỗ trước thuế 33,5 tỷ đồng trong quý vừa qua. Trong khi cùng kỳ 2017 lãi 10,9 tỷ đồng.
(Ảnh minh họa)
Khoản lỗ trong Quý II kéo kết quả kinh doanh nửa đầu năm của VietCapital Bank đi xuống, với lãi trước thuế co về còn 53,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu so với kết quả trong hai quý đầu năm ngoái thì vẫn tăng tới 264%. Còn nếu so với kế hoạch năm nay thì đã hoàn thành 66,5% chỉ tiêu lợi nhuận (80 tỷ đồng).
Kết quả hoạt động thua lỗ của VietCapital Bank cho thấy khó khăn chung của các ngân hàng quy mô nhỏ (vốn điều lệ quanh mức pháp định 3.000 tỷ đồng), trong bối cảnh các nhà băng lớn liên tục báo lãi trăm, nghìn tỷ với tốc độ tăng trưởng khả quan.
Theo số liệu công bố, Ngân hàng TMCP Quốc dân (mã chứng khoán: NVB) chỉ lãi sau thuế vỏn vẹn 1,7 tỷ đồng trong Quý II, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) lãi 13,3 tỷ đồng, bằng 1/5 kết quả trong Quý I. Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) cũng chỉ báo lãi 24 tỷ đồng, giảm tới 65% so với cùng kỳ.
Ngân hàng nhỏ hoạt động ngày càng khó khăn, khi các phân khúc và lĩnh vực bị ngân hàng lớn chiếm lĩnh gần hết. Các ngân hàng 'bé hạt tiêu' chỉ chia nhau một thị phần rất nhỏ còn lại.
Thực trạng này đang diễn ra và khó lòng đảo ngược, nếu các nhà băng nhỏ không mạnh tay tăng vốn, nhằm tăng cường nguồn lực, đảm bảo các tỷ lệ an toàn cũng như mua sắm tài sản, công nghệ, mở rộng chi nhánh, tuyển dụng nhân viên.
Trên thực tế, không phải các ngân hàng này không muốn tăng vốn, mà với 'bàn tay sắt' của Ngân hàng Nhà nước hiện nay, việc tăng vốn phải diễn ra thực chất, không có cơ hội cho hiện tượng vốn ảo như thời gian trước đây.
Trong hoàn cảnh như vậy, nhiều nhóm cổ đông chi phối của các ngân hàng không có tiền 'sạch' để tăng mạnh vốn, đồng thời lại không muốn chia sẻ ảnh hưởng cho các nhà đầu tư mới, dẫn đến câu chuyện tăng vốn luôn được đưa ra trình bày tại các đại hội cổ đông thường niên, song kết quả đạt được không nhiều.
Trong những cái tên đề cập ở trên, ngoại trừ PGBank có kế hoạch sáp nhập với HDBank, thì VietABank và NCB đều đưa ra những kế hoạch tăng vốn đầy tham vọng từ năm này qua năm khác.
Trước đó, báo chí đã đề cập việc VietABank năm thứ ba liên tiếp có kế hoạch tăng vốn lên 4.200 tỷ đồng. NCB vừa qua khẳng định sẽ tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng với sự tham gia của cổ đông ngoại. Các năm trước, NCB thậm chí còn có kế hoạch táo bạo hơn khi muốn tăng vốn gấp đôi lên mức 6.000 tỷ đồng.
Về phần mình, Đại hội cổ đông thường niên 2018 của VietCapital Bank không đề cập đến mục tiêu tăng vốn. Tuy nhiên vào năm 2016, kế hoạch tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng đã được thông qua. Dù vậy, một báo cáo của VietCapital Bank gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước giữa năm 2017 cho biết Ngân hàng chưa thể tiến hành tăng vốn vì nhu cầu góp vốn mới của cổ đông lớn và các cổ đông khác là không khả quan; phương án tăng vốn điều lệ trình Ngân hàng Nhà nước theo đó không thể hoàn thành.
Tại thời điểm ngày 30/6/2018, tổng tài sản của VietCapital Bank là 41.181 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,2% so với đầu năm, chủ yếu nhờ tín dụng tăng 2% lên 25.283 tỷ đồng. Bên kia bảng cân đối kế toán, số dư huy động tới cuối kỳ đạt 28.399 tỷ đồng, tăng 5,1%; tiền gửi và vay tổ chức tín dụng khác là 8.758 tỷ đồng.
Bảo Ngọc