Đầu năm 2015, gia đình ông Nguyễn Văn Tám (xã Đạo Tú, huyện Tam Dương) quyết định đầu tư 200 triệu đồng để cải tạo chuồng trại và duy trì đàn lợn hơn 100 con. Thời điểm làm ăn thuận lợi, gia đình ông thu lãi vài trăm triệu đồng/năm. Thế nhưng, từ đầu năm 2021 đến nay, giá lợn hơi liên tục giảm sâu, trong khi chi phí chăn nuôi lại tăng mạnh, gia đình ông xác định chỉ lấy công làm lãi.
Lo ngại dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại, vừa qua, gia đình ông quyết định bán tháo đàn lợn hơn 70 con. Ông Tám cho biết: “Với giá xuất chuồng hơn 30 nghìn đồng/kg, gia đình tôi phải bù lỗ hàng trăm triệu đồng. Không dám tiếp tục mạo hiểm, tôi quyết định dừng vào đàn mới”.
Ông Trương Công Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Vừa qua, giá lợn hơi giảm xuống thấp hơn so với giá thành sản xuất, dao động từ 35-40 nghìn đồng/kg, thậm chí có thời điểm giảm xuống dưới 30 nghìn đồng/kg, khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Hơn nữa, hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa, mưa nhiều, độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát sinh và lây lan. Việc cùng lúc phải chịu áp lực về dịch bệnh và giảm giá khiến nhiều bà con e ngại việc tái, tăng đàn.
Để duy trì ổn định sản xuất chăn nuôi lợn; chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn và tránh xảy ra tình trạng khan hiếm sản phẩm trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Sở NN & PTNT chủ động phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện việc loại thải những lợn nái kém chất lượng, lợn nái được gây từ lợn thịt; giữ lại những con có chất lượng tốt trong đàn, đúng phẩm cấp giống; lựa chọn tinh lợn đực giống có năng suất, chất lượng cao như: Pi-Du, Pi4, Maxter16, Du100… để phối giống cho đàn lợn nái tạo đàn lợn nuôi thịt đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Đồng thời, tính toán kỹ việc duy trì đàn lợn với số lượng đầu con hợp lý; tăng cường các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp với từng giai đoạn, lứa tuổi của lợn và đẩy mạnh việc tự phối trộn thức ăn dựa trên các nguyên liệu sẵn có để hạ giá thành sản xuất.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện hơn 1 nghìn con trâu bò nghi mắc bệnh viêm da nổi cục; bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 3 hộ chăn nuôi trên địa bàn phường Tiền Châu, thành phố Phúc Yên và mới đây phát hiện 1 ổ dịch tại xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc; bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 11 hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn 9 xã, phường thuộc 7 huyện, thành phố, làm chết và tiêu hủy hơn 24 nghìn con gia cầm.
Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, cơ quan chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương và hộ chăn nuôi có gia súc, gia cầm mắc bệnh thực hiện biện pháp xử lý, khoanh vùng, bao vây ổ dịch, hạn chế tình trạng lây lan trên diện rộng. Nhờ đó, tình hình dịch bệnh hiện nay cơ bản được kiểm soát.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, nguy cơ các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi, đặc biệt bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh và lây lan vào dịp cuối năm 2021 và đầu năm 2022 là rất cao do tổng đàn vật nuôi của tỉnh lớn; các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật các tháng cuối năm tăng mạnh; thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ thấp, mưa nhiều, độ ẩm cao làm giảm sức đề kháng của vật nuôi.
Để chủ động tổ chức kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra trên diện rộng, giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ngành Nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát hiện.
Đồng thời, tổ chức tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm và phun khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi đợt 2 năm 2021 đảm bảo hiệu quả; chủ động lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh động vật, đặc biệt là các địa phương có ổ dịch cũ và có sự lưu hành của các loại mầm bệnh để kịp thời cảnh báo, xử lý kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.
Tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh Thú y đảm bảo theo quy định; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, tái đàn hợp lý, phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi các tháng cuối năm nhằm góp phần đảm bảo ổn định nguồn cung thực phẩm cho thị trường.
Phùng Hải