Trong những năm qua, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã đóng góp quan trọng vào nền kinh tế, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Tuy vậy, để phát triển một cách bền vững, các DNNVV trên địa bàn cần phải tận dụng những cơ hội mới trong kỷ nguyên số. Một tín hiệu tích cực cho các DNNVV trên cả nước, bao gồm Vĩnh Phúc, là việc Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 10 nhằm thúc đẩy sự phát triển của DNNVV.
Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho DNNVV. Năm 2025, giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công. Tăng cường hỗ trợ DNNVV trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển mô hình kinh doanh mới và tham gia chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, Chính phủ cam kết tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi để các doanh nghiệp có thể yên tâm phát triển. Các hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng sẽ được triển khai hiệu quả, bao gồm đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động tại các doanh nghiệp; đào tạo quản trị doanh nghiệp chuyên sâu; đào tạo theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và đào tạo trực tuyến.
Cùng với đó, tập trung triển khai hiệu quả các quy hoạch và kế hoạch đã ban hành; phát triển các hành lang kinh tế, vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ gần với các trung tâm mới; chủ động đề xuất giải pháp phát triển các ngành công nghiệp mới (bán dẫn, chíp...), qua đó dẫn dắt, hỗ trợ hoạt động của DNNVV. Có giải pháp hiệu quả đẩy mạnh hoạt động cho vay của Quỹ Phát triển DNNVV nhằm tạo kênh huy động vốn với chi phí hợp lý cho DNNVV…

Sự xuất hiện và phát triển của các tập đoàn lớn tại Vĩnh Phúc trong những năm qua đã tạo ra môi trường thuận lợi cho các DNNVV mở rộng chuỗi cung ứng và gia tăng dịch vụ, giúp họ tham gia vào hệ sinh thái kinh doanh rộng lớn hơn. Với tiềm năng lớn từ ngành nông nghiệp và du lịch, tỉnh cũng cung cấp nhiều cơ hội đa dạng cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để duy trì sự phát triển và không bị bỏ lại phía sau, các DNNVV cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh và áp dụng công nghệ mới để thích ứng với sự thay đổi không ngừng của thị trường. Chuyển đổi số hiện nay đã trở thành một yếu tố không thể thiếu đối với sự phát triển bền vững của các DNNVV.
Thương mại điện tử cũng giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình, giảm chi phí và mở rộng thị trường. Việc xây dựng website, ứng dụng di động, kết nối với khách hàng qua mạng xã hội sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện khả năng cạnh tranh, đặc biệt trong thời đại mà xu hướng mua sắm trực tuyến đang bùng nổ.
Nhằm tháo gỡ các rào cản, khó khăn, tạo điều kiện tối đa để DNNVV phát triển bền vững, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp như các chương trình vay vốn ưu đãi giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính dễ dàng hơn. Miễn giảm thuế cho doanh nghiệp mới thành lập hoặc hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên.
UBND tỉnh luôn chỉ đạo sát sao cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức các lớp đào tạo giúp DNNVV nâng cao kỹ năng quản lý, tiếp thị và vận hành doanh nghiệp.
Một điển hình về DNNVV được hỗ trợ để phát triển trên địa bàn là Công ty TNHH Bao Bì Atlantic, thị trấn Đạo Đức (Bình Xuyên). Trong giai đoạn 2020 - 2021, công ty gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là vấn đề nhập khẩu nguyên liệu từ các nước như Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan.
Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ từ chính sách khuyến công của tỉnh, công ty đã có điều kiện đầu tư máy thổi màng trị giá hơn 1 tỷ đồng. Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến giúp công ty giảm tiêu hao điện năng khoảng 20%, tăng năng suất lên 30%, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường.
Nhờ đó, doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất và tạo việc làm cho gần 30 lao động với mức lương từ 8 - 9 triệu đồng/người/tháng.
Với sự hỗ trợ của tỉnh cùng với cơ hội từ công nghệ số và sự chuyển mình của thị trường, các DNNVV trên địa bàn có thể tận dụng các điều kiện thuận lợi để mở rộng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh. Điều quan trọng là các doanh nghiệp cần phát huy tư duy đổi mới, linh hoạt trong việc ứng dụng công nghệ và bắt kịp xu hướng tiêu dùng hiện đại, qua đó đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Hà Trần (t/h)