Sau đó, kể từ ngày 9/4, nếu không có gì thay đổi, các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ sẽ chịu thuế đối ứng ở mức cao hơn, lên tới 50%. Ví dụ, Liên minh châu Âu, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ chịu 20-26%. Trung Quốc và Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất, lần lượt là 34% và 46%.

Thuế đối ứng áp dụng với hầu hết hàng nhập khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, hàng trăm sản phẩm không trong diện chịu thuế này. Ví dụ, nhôm, thép, xe hơi, phụ tùng xe hơi đã bị Mỹ áp thuế 25% trước đó sẽ tiếp tục áp dụng mức này. Vàng, đồng, dược phẩm, sản phẩm bán dẫn và gỗ cũng vậy. Một số loại năng lượng và khoáng sản không có tại Mỹ cũng không phải tuân thủ thuế này.
Canada và Mexico cũng không bị áp thêm thuế đối ứng. Hai quốc gia này trước đó đã bị Mỹ áp thuế 25% với gần như toàn bộ hàng nhập khẩu vào đây. Dù vậy, Tổng thống Trump tháng trước thông báo hoãn thuế với nhiều sản phẩm từ hai nước láng giềng, áp dụng với các sản phẩm được quy định trong Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA).
Chính sách thuế đối ứng của ông Trump với hơn 180 đối tác thương mại khiến thế giới vài ngày qua chao đảo. Thị trường chứng khoán Mỹ, châu Á, châu Âu lao dốc 2 phiên liên tiếp vì nguy cơ lạm phát, suy thoái. Giá vàng thế giới lập đỉnh mới, sau đó bị bán tháo chốt lời. Hàng loạt lãnh đạo thế giới lên tiếng phản đối, cho rằng thuế này vô lý. Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo thuế này có thể đẩy cao lạm phát và kéo tụt tăng trưởng của Mỹ.
Dù vậy, ông Trump vẫn giữ vững lập trường và khẳng định sẽ không bao giờ thay đổi chính sách. "Các doanh nghiệp lớn không lo lắng về thuế nhập khẩu, vì họ biết đây là chính sách dài hạn. Thay vào đó, họ tập trung vào một thỏa thuận lớn, tuyệt vời, có thể giúp nền kinh tế của chúng ta nhảy vọt", Tổng thống Mỹ viết trên mạng xã hội Truth Social.
Thiên Trường