Sáng 27/04, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức lễ công bố báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021. Vĩnh Phúc đứng thứ 5 với những cải cách mạnh mẽ.
Dẫn đầu Bẳng xếp hạng PCI 2021 là Quảng Ninh với 73,02 điểm, giảm gần 3 điểm so với năm 2020. Đây là lần thứ 5 liên tiếp, tỉnh này dẫn đầu toàn quốc về điểm số PCI. Quảng Ninh là tỉnh duy nhất được xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế "rất tốt".
Các địa phương trong top đầu PCI 2021 gồm: Hải Phòng, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa – Vũng Tàu và Hà Nội. Trong đó, nhiều địa phương với nhiều nỗ lực đã lần đầu tiên lọt Top 10 PCI. Theo VCCI, kết quả này có được là nhờ những nỗ lực đặc biệt của địa phương, khi chính quyền tỉnh này đã luôn duy trì tinh thần chủ động, quyết liệt và đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành.
Báo cáo PCI đã điểm tên nỗ lực của Top 10 địa phương dẫn đầu. Trong đó, Vĩnh Phúc đứng thứ 5 cả nước và được xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế “Tốt”. Kết quả này tới từ những nỗ lực đặc biệt của tỉnh trong năm 2021, khi chính quyền đã luôn duy trì tinh thần chủ động, quyết liệt và đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành. Mục tiêu của tỉnh Vĩnh Phúc là xây dựng chính quyền kiến tạo, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo cho sự phục vụ. UBND tỉnh cũng thường niên ban hành Kế hoạch hành động về triển khai cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bám sát mục tiêu chỉ đạo tại Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ và giao nhiệm vụ cải thiện từng chỉ tiêu trong PCI cho các sở ban ngành.
Tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2020, chính quyền tỉnh đã đề ra mục tiêu “3 tốt” gồm: Môi trường pháp lý tốt và toàn diện, hạ tầng kỹ thuật tốt, và phục vụ doanh nghiệp tốt. Trong đó, công tác cải cách thủ tục hành chính được coi là nhiệm vụ trọng tâm, được triển khai quyết liệt theo hướng giảm thiểu thời gian và đơn giản về thủ tục.
Đơn cử, tỉnh Vĩnh Phúc cam kết cắt giảm thời gian kiểm tra trước hoàn thuế giá trị gia tăng tại trụ sở người nộp thuế xuống còn 40 ngày làm việc và cắt giảm TTHC để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước xuống dưới 115 giờ/năm. Tỉnh cũng đã xây dựng và đưa vào sử dụng bộ phận một cửa liên thông, hiện đại ở cả 3 cấp. Đặc biệt, hệ thống đường dây nóng của tỉnh được thiết lập và vận hành hiệu quả với 5 ngôn ngữ: Việt Nam, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Điều tra PCI năm qua diễn ra trong bối cảnh khó khăn chưa từng có do dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp vẫn đánh giá có thay đổi tích cực trong các chỉ số thành phần, phát triển kinh tế. Cùng đó, các địa phương cũng nỗ lực phòng, chống tham nhũng để giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho DN. Số DN phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra giảm so với trước, chỉ còn gần 21%, giảm khoảng 7,7% so với 2020. Tỷ lệ DN phải trả chi phí không chính thức trong đấu thầu còn 36,8%, giảm hơn 3% so với 2020.
Các DN FDI, cũng ghi nhận những cải thiện tích cực trong môi trường kinh doanh của Việt Nam. Gánh nặng thanh, kiểm tra, chi phí không chính thức đã giảm. Chất lượng lao động, cơ sở hạ tầng cải thiện rõ rệt theo thời gian.
Tuy nhiên, VCCI cho rằng các địa phương vẫn cần đẩy mạnh hơn nữa trong giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, cải cách các lĩnh vực thuế, đất đai, bảo hiểm, môi trường, xây dựng và quản lý thị trường.
PCI là bộ chỉ số hợp thành bởi các chỉ số thành phần, như chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, môi trường kinh doanh...được sử dụng để đánh giá mức độ thuận lợi của thủ tục hành chính tại các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh khác nhau và mức độ hỗ trợ của chính quyền theo đánh giá của các DN đang hoạt động tại địa phương.
Hoan Nguyễn