Vĩnh Phúc: Giáo viên bức xúc vì bị điều động làm lễ tân cho giải vật cổ truyền - Hình 1

 

Văn bản triệu tập của Phòng GD&ĐT huyện Tam Dương

 

Ngày 11/8, ông Hoàng Trung, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào Tạo huyện Tam Dương đã ký công văn số 224/PGD&ĐT về việc triệu tập giáo viên hướng dẫn các đoàn về dự Giải vật Dân tộc Trẻ và thiếu niên toàn quốc lần thứ XIX  năm 2017 được tổ chức tại huyện Tam Dương từ 14 đến 20/8/2017.

 

Ban hành kèm theo “lệnh” này là danh sách triệu tập 22 giáo viên mầm non, tiểu học và THCS trên địa huyện Tam Dương phải có mặt để làm nhiệm vụ đón tiếp, cầm biển tên đoàn tại Lễ khai mạc, hướng dẫn các đoàn về tham gia giải đấu trong suốt thời gian tổ chức giải.

 

Thời gian và địa điểm cũng được ấn định vào hồi 14h ngày 14/8 đến ngày 20/8/2017 tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Tam Dương. Sau khi có “lệnh” triệu tập, nhiều giáo viên đã tỏ ra bức xúc nhưng không dám “làm trái” vì nhiều lý do “tế nhị”.

 

Cần phải nhớ rằng, câu chuyện “điều giáo viên đi tiếp khách” xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vào đầu tháng 11/2016. Một số giáo viên tham gia phục vụ lễ tân cho Liên hoan Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh, “sau liên hoan còn phải đi cùng quan khách tới một nhà hàng ở TX. Hồng Lĩnh ăn uống, tiếp bia rượu và hát hò”, đã dấy lên dư luận xã hội phản đối, lên án hành vi này.

 

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ trả lời báo chí sáng 14/11/2016 bên lề hành lang Quốc hội, khẳng định, đây là việc “không chấp nhận được”, là việc “hoàn toàn không phù hợp”, và “bất cứ cái gì không phù hợp với giáo dục đều không được chấp nhận”. Đồng thời ông cho biết: “Trong Luật Giáo dục đã có một chương nói rất kỹ về giáo viên. Tất cả mọi người đều phải chấp hành về phẩm chất nhà giáo, trên cơ sở đó có hướng dẫn, chỉ thị, các thầy cô phải giữ nguyên tắc phẩm chất, khi đã giữ nguyên tắc phẩm chất mà vẫn bị lôi kéo, ép buộc trước hết phải hỏi trách nhiệm của thầy cô đã sau đó mới tính đến người ép buộc”.

 

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, ngoài chuyên môn, chính mỗi giáo viên còn là “tấm gương cho học trò noi theo”. Và “đã làm tấm gương không thể nói trong giờ hành chính chấp hành và ngoài giờ hành chính thì không chấp hành. Thầy cô nghiêm túc, chuẩn mực là một tấm gương sáng rất tốt không kém gì chuyên môn”.

 

Phải nói rằng, việc điều động giáo viên làm “trái nghề” trong khi năm học mới sắp bắt đầu không chỉ gây bức xúc cho chính những giáo viên phải thi hành “mệnh lệnh”, mà còn tạo dư luận không tốt đối với nhiều người trong ngành.

 

Thiết nghĩ, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Sở GD&ĐT cần sớm làm rõ vấn đề này để tránh dư luận không tốt trong xã hội.

 

Long Trần