Chỉ 3 tháng sau khi vượt lên đứng đầu các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 3 cả nước về tăng trưởng kinh tế giữa thời dịch bệnh, Vĩnh Phúc tiếp tục đạt cột mốc tăng trưởng 9,62%, cao hơn nhiều so với con số bình quân 1,42% của cả nước. Kèm theo đó, nhiều chỉ số KT-XH khác cũng đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Đây là những con số biết nói khẳng định tỉnh đã có nhiều giải pháp phù hợp trong bối cảnh khó khăn chung, thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra.
Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 9 tháng đầu năm tăng 13,55% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 24.518 tỷ đồng, đạt 80% dự toán và bằng 121% so với cùng kỳ năm 2020.
Thu hút DDI đạt 12,9 nghìn tỷ đồng, bằng 234,5% kế hoạch, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2020. Thu hút được 28 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 779,8 triệu USD và 117,2 triệu USD điều chỉnh tăng vốn, bằng 224,3% kế hoạch, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Các lĩnh vực văn hóa xã hội được ổn định, quốc phòng an ninh được củng cố và giữ vững; công tác giảm nghèo và an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm. Chính sách giảm nghèo và hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo được triển khai đồng bộ, kịp thời...
Để đạt được kết quả trên, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp theo từng ngày thì Vĩnh Phúc đã chủ động, linh hoạt triển khai các biện pháp ứng phó theo từng...giờ. Đó là xây dựng đủ các kịch bản, phương án có thể xảy ra; kiểm soát chặt và nắm chắc tình hình diễn biến dịch bệnh trong nước và tiềm ẩn nguy cơ trên địa bàn; đanh giá nhanh và đúng tình hình có thể xảy ra trong tương lai gần để đưa ra các giải pháp điều chỉnh phù hợp nhất với thực tế xã hội tại địa phương.
Đặc biệt, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành bám sát, cụ thể hóa các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép. Theo đó, toàn hệ thống chính trị tập trung cao nhất, trách nhiệm cao nhất cho công tác phòng, chống dịch, dành tối đa thời gian cho công tác chỉ đạo, kiểm tra cơ sở, hỗ trợ doanh nghiệp phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn sản xuất.
Kịp thời và nhanh chóng ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh trong chống dịch và phát triển kinh tế như hỗ trợ mở rộng xét nghiệm, hỗ trợ tiêm vắc xin miễn phí cho toàn dân, người lao động…
Chủ động xây dựng các kế hoạch, các phương án phòng chống dịch, tổ chức diễn tập để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân chủ động biết và gắn trách nhiệm của mình với vai trò là chủ thể của mặt trận phòng, chống dịch; quyết tâm xây dựng tỉnh trở thành “Vùng Xanh” bền vững trong phòng chống dịch và phát triển KT-XH của cả nước
Rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn, tạo điều kiện khơi thông các nguồn lực, tập trung phát triển kinh tế xã hội.
Tăng cường phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, ủy quyền cho UBND cấp huyện chủ động quyết định những công việc thuộc phạm vi địa bàn nhằm tạo điều kiện tối đa cho việc triển khai các giải pháp cấp bách ở cơ sở.
Ban hành hàng chục đề án tháo gỡ điểm nghẽn khơi thông nguồn lực của 22 sở, ngành và 9 huyện, thành phố. Tạo tiền đề để các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận thức rõ những cản trở phát triển của ngành, lĩnh vực; tháo gỡ vướng mắc, tạo động lực mới cho phát triển KT-XH.
Chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; chủ động tháo gỡ vướng mắc về chuyện đi lại, ăn ở, sinh hoạt của đội ngũ chuyên gia, cán bộ quản lý, lao động; vướng mắc về chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, nguồn vốn…: đồng thời tăng cường đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh xây dựng xã hội ổn định, an toàn với môi trường, điều kiện sống tốt nhất.
Nhờ sự chủ động ngăn chặn nguy cơ dịch xâm nhập từ bên ngoài, kiểm soát chặt chẽ nguy cơ dịch bùng phát ở bên trong; duy trì thực hiện các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn đã được kiểm soát tốt, trên địa bàn tỉnh đã hơn 64 ngày không có ca mắc Covid trong cộng đồng.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, tình hình dịch bệnh tại nhiều tỉnh, thành phố còn diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, bùng phát trên địa bàn.
Từ đó dẫn đến nhiều khó khăn, hạn chế gây cản trở nghiêm trọng đến mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh như: Việc lưu thông hàng hóa, cung ứng sản phẩm từ các chuỗi cung ứng của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn; một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng.
Dịch bệnh kéo dài và chưa có dấu hiệu kết thúc khiến hầu hết các doanh nghiệp chịu gia tăng áp lực chi phí về công tác phòng chống dịch, làm ảnh hưởng tới tình hình phát triển doanh nghiệp.
Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, làm chậm tiến độ triển khai dự án. Các hoạt động triển khai hạ tầng phát triển các khu công nghiệp (KCN) còn chậm, số KCN và diện tích đất công nghiệp đạt thấp so với phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; hạ tầng ngoài hàng rào KCN còn thiếu và yếu, hạ tầng xã hội phục vụ người lao động chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và phát triển; quỹ đất sạch hiện sẵn sàng cho thu hút đầu tư trong các KCN còn ít. Việc thực hiện một số dự án lớn của tỉnh bị kéo dài vì còn nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý...
Do đó, việc triển khai các nhiệm vụ phát triển KT-XH trong 3 tháng cuối năm 2021 được dự báo sẽ rất khó khăn; đòi hỏi các cấp, các ngành tiếp tục ưu tiên cao nhất cho phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân nhằm đạt được ở mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm đã được thông qua.
Hoan Nguyễn