Ngày 09/08/2004, Sở Bưu chính-Viễn thông Vĩnh Phúc được thành lập – là cơ quan quản lý Nhà nước về bưu chính, viễn thông cấp tỉnh được thành lập sớm nhất cả nước, đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển của ngành Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc ngày nay.

Phát huy truyền thống của ngành "Dũng cảm, trung thành, tận tụy, sáng tạo", 18 năm qua, ngành Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc đã không ngừng trưởng thành và phát triển. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Sở đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chương trình hành động, quy hoạch, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành quan trọng thúc đẩy ngành Thông tin và Truyền thông phát triển.

Đến nay, cơ bản các quy hoạch thuộc lĩnh vực ngành quản lý đã được triển khai xây dựng và ứng dụng hiệu quả trong hoạt động quản lý. Đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, Sở đã tham mưu UBND tỉnh trình Ban Thường vụ tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 16/05/2022 về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 39/NQ-HĐND ngày 08/03/2021 thông qua Đề án hoàn thiện chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025; UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 25/01/2022 về thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Phúc, Quyết định số 488/QĐ-UBND ngày 14/03/2022 về việc giao nhiệm vụ, chỉ tiêu chuyển đổi số cho thủ trưởng các cơ quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố…

Qua đó tạo cơ sở, môi trường pháp lý cũng như định hướng phát triển từng lĩnh vực của ngành; tạo điều kiện để các doanh nghiệp bưu chính - viễn thông, công nghệ thông tin, điện tử, doanh nghiệp in - phát hành, các cơ quan báo chí, hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh phát triển mạnh mẽ, đưa doanh thu toàn ngành tăng trưởng cao qua từng năm, từ 127 tỷ đồng năm 2004 tăng lên 1.307,44 tỷ đồng năm 2010, 3.560 tỷ đồng năm 2015 và 110.000 tỷ đồng năm 2021. Riêng 06 tháng đầu năm 2022, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, tác động do dịch Covid-19 nhưng doanh thu toàn ngành vẫn đạt 96.650 tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp xứng đáng vào mục tiêu xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc năng động, sáng tạo, đổi mới, hội nhập, phát triển.

Xác định rõ trọng trách trong triển khai xây dựng Chính quyền điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ thông tin tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng mạng lưới, đa dạng các dịch vụ, đáp ứng yêu cầu thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm an ninh quốc phòng, phòng chống dịch bệnh Covid-19, lụt bão, cứu hộ cứu nạn, xây dựng nông thôn mới.

Ngành Thông tin và Truyền thông có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của tỉnh
Ngành Thông tin và Truyền thông có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của tỉnh.

Hiện toàn tỉnh có 2.900 trạm BTS; 1.244.000 thuê bao điện thoại di động, 225.500 thuê bao Internet băng rộng cố định, 785.250 thuê bao Internet băng rộng di động; mạng 3G, 4G phủ sóng đến 100% dân số; mạng 5G đang tiếp tục được các doanh nghiệp mở rộng độ phủ sóng. Dịch vụ bưu chính – viễn thông phát triển rộng khắp với 15 doanh nghiệp có hoạt động bưu chính, 05 doanh nghiệp viễn thông, 05 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet.

Giá dịch vụ giảm mạnh, người dân có quyền lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ phù hợp với yêu cầu. Tất cả các dịch vụ bưu chính, chuyển phát được tổ chức vận chuyển kịp thời, không còn bưu gửi tồn đọng tại các bưu cục; không để xảy ra các hành vi lợi dụng mạng lưới thông tin để lừa đảo, gửi và phát tán thư, ấn phẩm, bưu phẩm có nội dung trái pháp luật và các hàng cấm.

Ứng dụng CNTT có bước phát triển vượt bậc, hiện tất cả các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị 3 cấp tỉnh, huyện, xã được trang bị máy tính, mạng LAN, kết nối mạng số liệu dùng chung của Chính phủ. Tất cả cán bộ, công chức cấp tỉnh, 95% cán bộ công chức cấp huyện và 80% cán bộ công chức cấp xã được trang bị máy tính làm việc. Trung tâm Hạ tầng thông tin của tỉnh và các doanh nghiệp lớn trên địa bàn đều có trung tâm dữ liệu, vận hành hiệu quả các ứng dụng và cơ sở dữ liệu trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã cấp trên 7.000 hộp thư điện tử cho 100% cơ quan, đơn vị, địa phương; phần mềm quản lý văn bản được kết nối liên thông với các bộ, ngành Trung ương thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia, tích hợp chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ.

Toàn bộ hệ thống văn bản đi, văn bản đến (trừ văn bản mật) được xử lý trên môi trường mạng; tỷ lệ chữ ký số ở cả 3 cấp đạt 98%. Từ ngày 01/01/2022, phần mềm một cửa, dịch vụ công trực tuyến VNPT IGate được kết nối, đồng bộ 746 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia và liên thông với phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư và phần mềm quản lý chứng thực, hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và của tỉnh.

Công tác quản lý báo chí được chú trọng, đã tạo điều kiện thuận lợi để báo chí trên địa bàn tỉnh phát huy tốt vai trò “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, phục vụ đắc lực các nhiệm vụ chính trị của tỉnh; kịp thời phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, góp phần định hướng dư luận và tạo sức lan tỏa, đồng thuận xã hội.

Hiện tỉnh có đủ 04 loại hình báo chí, gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, với 03 cơ quan báo chí, 16 văn phòng đại diện và phóng viên thường trú cơ quan báo chí Trung ương đóng trên địa bàn, 236 đơn vị có hoạt động mang tính báo quan báo chí.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về phòng chống dịch bệnh Covid-19 và chuyển đổi nhận thức trong chuyển đổi số, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, huy động tất cả các loại hình tham gia truyền thông, kết hợp truyền thông trong tỉnh với truyền thông qua các cơ quan báo chí Trung ương, thiết lập hệ thống Zalo từ Ban chỉ đạo tỉnh kết nối đến các Tổ covid cộng đồng; xây dựng trang thông tin điện tử về phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, coi chuyển đổi số thực sự là thời cơ, vận hội, từ đó ứng dụng các thành tựu của chuyển đổi số trong công việc, cuộc sống.

Để góp phần đưa Vĩnh Phúc đến năm 2025 cơ bản hoàn chỉnh chính quyền điện tử ở cả 3 cấp và nằm trong top 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chính quyền điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn.

Đẩy mạnh đầu tư, phát triển hạ tầng số qua việc củng cố mạng 4G bảo đảm chất lượng, phủ sóng 100% địa bàn tỉnh; ưu tiên các trạm 5G tại các thành phố, khu đô thị, khu công nghiệp, du lịch và nâng cấp Trung tâm dữ liệu của tỉnh theo công nghệ điện toán đám mây; đưa Trung tâm Giám sát, Điều hành thông minh phục vụ tích hợp các dịch vụ đô thị thông minh vào hoạt động.

Cùng với đó, mở rộng kết nối chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành thông qua trục nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu; phát triển kho dữ liệu của tỉnh; phát triển bản đồ số, hệ thống du lịch thông minh, hệ thống thông tin quản lý đất đai. Phát triển kinh tế số, xã hội số qua việc triển khai hóa đơn điện tử, nền tảng địa chỉ số và bản đồ số tới 100% hộ gia đình; triển khai các nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số ngành Giáo dục và Đào tạo, trước mắt là thí điểm thành công chuyển số toàn diện tại 4 xã, thị trấn, gồm: xã Lãng Công, huyện Sông Lô; thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường; xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương và thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo.

Chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính nâng cao chất lượng các dịch vụ, đưa lĩnh vực này đóng góp quan trọng vào thương mại điện tử trên địa bàn với mức tăng trưởng bình quân hằng năm khoảng 25-30% và tham gia các khâu giải quyết thủ tục hành chính, là trung gian kết nối giữa môi trường mạng và thế giới thực thông qua chuyển phát hàng thương mại điện tử, logictics. Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng mạng lưới, cung cấp mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật xây dựng chính quyền điện tử, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số.

Thúc đẩy triển khai chính phủ điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng, tạo bước đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung vào các vấn đề cốt lõi, nền tảng tích hợp cho xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới mục tiêu hỗ trợ yêu cầu của người dân, doanh nghiệp với chính quyền; dần đưa các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 kết nối liên thông, đồng bộ với Cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 kết nối liên thông, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin, an toàn không gian mạng cho các cơ quan Đảng và Nhà nước. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng thông tin, nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền; triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh; làm chủ không gian mạng, đưa an toàn, an ninh mạng là chiếc khiên vững chắc bảo vệ thành quả của chuyển đổi số.

Đức Nam