Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 15 doanh nghiệp hoạt động bưu chính, 5 nhà cung cấp dịch vụ điện thoại và 5 nhà cung cấp dịch vụ Internet, hơn 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. 

Các doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Hoạt động bưu chính, chuyển phát được thực hiện kịp thời, không còn bưu gửi tồn đọng tại các bưu cục. 

Mạng lưới, dịch vụ viễn thông với 3.000 trạm BTS, phủ sóng di động 3G, 4G đạt 100% trên địa bàn toàn tỉnh. Hoạt động sản xuất các sản phẩm công nghệ thông tin, điện tử được nâng cao đáp ứng yêu cầu về chất lượng các đơn hàng. 

Trogn 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đạt khoảng 1.500 tỷ đồng, ước đạt 51,7% kế hoạch.

Doanh thu lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử đạt 95 tỷ đồng, ước đạt 45% kế hoạch năm 2023.

Vượt qua nhiều khó khăn, ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Phúc đã góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế- xã hội của địa phương
Vượt qua nhiều khó khăn, ngành thông tin và truyền thông tỉnh Vĩnh Phúc đã góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Bên cạnh đó, hoạt động xuất bản, in, phát hành trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, các cơ sở in, phát hành thực hiện đúng quy định của pháp luật. Ước tổng doanh thu 6 tháng đầu năm lĩnh vực in, phát hành đạt trên 375 tỷ đồng, đạt 50% so với kế hoạch năm 2023.

Cùng với bảo đảm các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực ngành, công tác quản lý Nhà nước được ngành Thông tin và Truyền thông thực hiện nghiêm và hoàn thành tốt các kế hoạch đề ra. 

Trong 6 tháng đầu năm, Sở Thông tin và Truyền thông đã đẩy mạnh triển khai công tác cải cách hành chính phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp; thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo thẩm quyền tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh với 100% các thủ tục hành chính là dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Tính đến ngày 6/6/2023, đã tiếp nhận 101 hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó, 100% hồ sơ được giải quyết trước hạn. Triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh, tính đến ngày 07/6/2023, Sở đã tiếp nhận 4.548 văn bản đến; phát hành 1.146 văn bản đi; tỷ lệ ký số trên văn bản đi đạt 100%.

Trong 6 tháng cuối năm, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai Đề án thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đảm nhận việc hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn I; kế hoạch triển khai nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh tiếp tục triển khai dự án Xây dựng hạ tầng nền tảng số phục vụ chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Phúc; ban hành chỉ thị của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng trong các cơ quan nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc; tiếp tục triển khai các nội dung hợp tác giữa UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam theo đúng kế hoạch...

Đức Nam