Công ty TNHH MTV Thủy lợi Liễn Sơn sẽ là 1 trong 5 doanh nghiệp Nhà nước giữ 100% vốn
Thực hiện chủ trương cổ phần hóa, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã có rất nhiều nỗ lực trong thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước. Sau cổ phần hóa, các doanh nghiệp đã chủ động thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp, huy động được nhiều vốn ngoài ra hội để đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ thiết bị; người lao động cũng được sắp xếp lại vị trí công việc để thích ứng với nhu cầu sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa doanh thu của doanh nghiệp tăng dần qua các năm.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, bên cạnh kết quả đạt được, việc cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn gặp nhiều vướng mắc, bất cập do cơ chế quản lý về doanh nghiệp Nhà nước chưa theo kịp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa có hoạt động sản xuất kinh doanh chưa thực sự hiệu quả dẫn tới giá trị giao dịch trên sàn chứng khoán thấp khiến việc xử lý tài chính và phát hành, bán cổ phiếu khi cổ phần hóa, thoái vốn không hấp dẫn các nhà đầu tư. Cùng với đó là nhận thức của một bộ phận lãnh đạo doanh nghiệp, người lao động, người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chưa đầy đủ, chưa hiểu rõ về tầm quan trọng, sự cần thiết trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước. Người đại diện vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chưa sát sao, thiếu chủ động trong chỉ đạo triển khai kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 39 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, trong giai đoạn 2017 - 2020, Vĩnh Phúc sẽ tích cực cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước và chuyển đổi các trung tâm, đơn vị sự nghiệp có thu. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh còn 5 doanh nghiệp Nhà nước giữ 100% vốn gồm: Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết Vĩnh Phúc và 4 Công ty TNHH MTV Thủy lợi: Lập Thạch, Liễn Sơn, Phúc Yên, Tam Đảo. Các doanh nghiệp này sẽ thực hiện xây dựng phương án sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu sau khi có hướng dẫn của Trung ương.
Để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, việc đổi mới và sắp xếp các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn tỉnh sẽ được triển khai theo hướng khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia mua cổ phần, góp vốn vào doanh nghiệp khi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng để huy động vốn nhàn rỗi trong xã hội và thực hiện tái cơ cấu kinh tế.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu đối với các doanh nghiệp Nhà nước tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội sản xuất cung ứng dịch vụ công ích tại địa phương; chỉ đạo Ngành ngân hàng phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tổng hợp tình hình công nợ của các doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về tài chính, đề xuất phương án xử lý nợ cho doanh nghiệp. Đồng thời, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cơ chế, chính sách về quản lý vốn, tài sản nhà nước, cơ chế cho thuê đất theo quy định của pháp luật, sử dụng hiệu quả chính sách thuế, phí và quản lý, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm nhà đầu tư thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước trong chuyển đổi, cổ phần hóa.
Long Trần