Sự kiện Ngày Sách và Văn hóa Đọc diễn ra với nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực và giàu ý nghĩa. Bên cạnh 18 gian trưng bày sách của các đơn vị trực thuộc thành phố, chương trình còn bao gồm tọa đàm “Đọc sách trong thời đại công nghệ số”, hoạt động kể chuyện theo sách, biểu diễn văn hóa - văn nghệ, cùng các hoạt động tặng sách cho học sinh xuất sắc và thư viện thành phố.
Những năm qua, thành phố Yên đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách. Nhờ đó, thói quen và kỹ năng đọc sách từng bước được hình thành và lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng.

Ngày Sách và Văn hóa Đọc là một trong những hoạt động được thành phố tổ chức thường xuyên nhằm tạo không gian văn hóa, thu hút sự quan tâm của người dân đối với việc đọc sách, đồng thời khuyến khích thói quen đọc, nuôi dưỡng tình yêu với sách.
Sự kiện này cũng góp phần khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy và giáo dục nhân cách con người. Đồng thời, đây là dịp tôn vinh những người đọc, người sáng tác, xuất bản, in ấn, phát hành, thư viện và các cá nhân, tổ chức có đóng góp cho sự phát triển văn hóa đọc.
Bên cạnh đó, hoạt động này cũng nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan chức năng và tổ chức xã hội trên địa bàn thành phố trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc bền vững.

Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Trung Hải, Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc.
Ông yêu cầu các cấp ủy, chính quyền tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa của sách, coi việc đọc là phương pháp tự học hiệu quả. Đồng thời, cần thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào quảng bá văn hóa đọc, khuyến khích tinh thần tự giác đọc sách trong cán bộ, giáo viên, học sinh và nhân dân.
Bên cạnh đó, ông đề nghị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đa dạng hóa hình thức đọc trong thời đại số, mở rộng tiếp cận tri thức cho nhiều đối tượng, nhất là thanh thiếu niên. Cần phát hiện và nhân rộng các mô hình đọc sách hiệu quả, thúc đẩy ứng dụng tri thức vào thực tế.
Ông cũng nhấn mạnh sự phối hợp giữa các cấp, ngành, đặc biệt là ngành Giáo dục, trong việc đưa văn hóa đọc vào trường học, giúp học sinh hình thành thói quen đọc sách ngay từ nhỏ, tạo môi trường lan tỏa đến nhiều tầng lớp nhân dân.
Ngày sách và văn hóa đọc được tổ chức đã giúp cho các em học sinh và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc đối với việc tiếp thu, bồi đắp tri thức, nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
Hà Trần (t/h)