Chính quyền nói gì?
UBND phường Tam Bình, nơi 2 cô gái bị về làm việc trước khi bị đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP. HCM
Liên quan đến vụ 2 cô gái đi uống cà phê quên mang CMND, Thương hiệu & Công luận đưa thông tin vừa qua, ông Lê Nguyễn Trọng Quốc, Chủ tịch UBND phường Tam Bình đã có công văn trả lời báo chí: "Lúc 16h ngày 18/9, trong quá trình kiểm tra hành chính tại quán cà phê MU (trên đường D, khu phố 5, phường Tam Bình), tổ công tác của Công an phường Tam Bình phát hiện một số người không có giấy tờ tùy thân nên mời về phường lập biên bản.
Quá trình làm việc, 2 đương sự (Nhung và Kiều) không trình xuất được bất cứ loại giấy tờ tùy thân nào. Công an phường đã yêu cầu 2 đương sự gọi điện nhờ người thân mang giấy tờ đến, nhưng không được hợp tác.
Vì vậy, đến 19h45 cùng ngày, Công an phường đã phối hợp với cán bộ chuyên trách phòng tệ nạn xã hội phường lập hồ sơ đưa 2 đương sự về trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội TP. HCM".
Cũng theo đó, Trung tá Huỳnh Văn Dư thuộc Tổ công tác - Công an P. Tam Bình nói: Nếu 2 cô gái này cung cấp nơi thường trú và tạm trú, bằng biện pháp nghiệp vụ, đơn vị sẽ xác minh ngay, biết được nhân thân sẽ không làm khó, dù chờ thêm nhiều giờ vẫn được. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, chúng tôi cũng thừa nhận anh em công an có nóng vội trong quá trình đưa 2 đương sự vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội. Nhưng chúng tôi khẳng định không sai, nếu sai sẽ chịu trách nhiệm.
Luật sự nói gì?
Theo Luật sư Phạm Duy Hiển – Văn phòng Luật sư Phạm Duy: Căn cứ quy định tại Điều 25 - Nghị định 136/2013 và Quyết định 29/2017 của UBND TP. HCM, trường hợp đưa 2 cô gái này vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội là không thuộc đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở hỗ trợ xã hội.
Để đưa một người vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội thì chỉ khi có căn cứ người đó không có địa chỉ thường trú, tạm trú rõ ràng. Việc xác định một người không có địa chỉ thường trú, tạm trú rõ ràng, phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó tạm trú, thường trú.
Luật sư Hiển nói: “Mới chỉ 2 tiếng đồng hồ mà cơ quan chức năng đã đưa 2 chị này vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội là chưa bảo đảm theo trình tự pháp luật, vì còn phải xác minh cụ thể.
Hơn nữa, theo thông tin của người nhà thì họ đã đưa giấy tờ tùy thân để bảo lãnh, nhưng các cơ quan này vẫn không chấp nhận là không có căn cứ. Vì giấy tờ tùy thân là căn cứ thể hiện người đó có hộ khẩu tại đâu.
Hai cô gái này chưa xuất trình được giấy tờ tùy thân, chứ không thuộc diện người ăn xin, lang thang, không có nơi cư trú ổn định như UBND phường Tam Bình nêu. Chỉ khi xem xét các giấy tờ tùy thân, xác minh cụ thể mới có căn cứ xác minh về nhân thân, công việc và nơi cư trú của họ, từ đó mới có căn cứ đưa vào trung tâm”.
Luật sư Hiển cho rằng: "Việc đưa chị Nhung và chị Kiều vào trung tâm xã hội vì không có giấy tờ tùy thân trong vòng chưa đầy 4 giờ đồng hồ là vội vàng, làm trái quyết định về quản lý người ăn xin không có nơi cư trú ổn định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn.
Theo khoản 4, điều 2 của quyết định về quản lý người ăn xin không có nơi cư trú ổn định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn, người không có nơi cư trú ổn định là trường hợp không xác định được nơi đăng kí thường trú, tạm trú, hoặc có nơi đăng ký thường trú, tạm trú nhưng không sinh sống nơi đó và thường xuyên đi lang thang, không ở một nơi cố định”.
Cũng theo Luật sư Hiển, lãnh đạo trung tâm cần phải giải quyết ngay cho đương sự khi có người thân bảo lãnh. “Việc trung tâm không cho người nhà bảo lãnh, không những vi phạm quyết định của UBND TP. HCM, mà còn vi phạm các quy định về quyền con người trong Bộ luật Dân sự, gây tổn thất về tinh thần, thể chất, thời gian và tiền bạc” - Luật sư Hiển khẳng định.
Tuyết Nhung – Phước Nguyên