Đã xác minh được một địa điểm tiêu thụ
Đại tá Lê Vinh Quy, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông cùng ông Ngô Xuân Lộc, Chánh văn phòng UBND tỉnh chủ trì buổi họp báo. Tham dự buổi họp báo còn có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan cùng đông đảo lãnh đạo, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí đóng chân trên địa bàn.
Thượng tá Phạm Thanh Bình thông tin vụ việc tại buổi họp báo
Thông tin tại buổi họp báo, Thượng tá Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, từ ngày 15 đến 17-4, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện tại cơ sở thu mua nông sản do bà Loan làm chủ đang dùng dung dịch màu đen (hỗn hợp nước và Pin) để ngâm, tẩm, nhuộm đen phế phẩm cà phê.
Phòng Cảnh sát Môi trường đã phối hợp với các ngành chức năng lập biên bản, niêm phong tổng cộng 21,265 tấn phế phẩm cà phê đã ngâm, tẩm, nhuộm đen và được đóng bao bì, 40 lít dung dịch, 35kg Pin bị đập dẹp, 192kg lõi, nắp và vỏ Pin.
Đại tá Lê Vinh Quy cho biết, hiện Cơ quan điều đang tập trung đấu tranh với 3 đối tượng gồm bà Loan, Ngô Ngọc Sơn (công nhân làm việc tại cơ sở), cùng Lương Xuân Bảo (sống chung như vợ chồng với bà Loan).
"Theo khai nhận ban đầu của các đối tượng, cơ sở này đã xuất bán khoảng 3 tấn phế phẩm cà phê tại thị trường tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên, các đối tượng vẫn đang hết sức ngoan cố trong việc khai báo, chưa chịu khai nhận địa điểm đã tiêu thụ sản phẩm này. Hiện cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục đấu tranh, làm rõ động cơ, mục đích của các đối tượng là có làm giả thực phẩm rang xay cà phê hay không?”, Đại tá Quy thông tin thêm.
Còn ông Ngô Xuân Lộc, Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng, đến thời điểm này, chưa có cơ sở để khẳng định việc bà Loan dùng vỏ cà phê, cà phê vỡ phế thải, sỏi, đá để xay trộn rồi trộn lẫn với bột than Pin để làm ra thành phẩm cà phê bởi do các đối tượng chưa chịu khai nhận.
“Tuy nhiên, hiện cơ quan công an đang phối hợp với cơ quan chức năng tích cực vào cuộc điều tra, làm rõ. Việc kiểm nghiệm vật chứng đang được tiến hành một cách gấp rút để đưa ra kết luận cuối cùng trong thời gian sớm nhất”, ông Lộc nói.
Căn nhà cùng nơi làm xưởng sản xuất của bà Loan nằm tách biệt với khu dân cư
Còn ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Sở NN&PTNT Đắk Nông cho biết, việc bà Loan có dùng đá, vỏ cà phê, phế phẩm trộn với bột than pin là có thật. “Tuy nhiên, việc làm này để phục vụ mục đích gì thì cơ quan chức năng chưa biết. Hiện đơn vị và Phòng Cảnh sát Môi trường (PC49) Công an tỉnh đang tiếp tục đấu tranh, làm rõ”, ông Chương nói.
Cũng theo ông Chương, với thực tế diễn ra, bà Loan sử dụng những phế phẩm không có giá trị để trộn với pin thì khó có khả năng trở thành thực phẩm, đồ uống. Cũng có thể bà Loan trộn những tạp chất nêu trên với pin để làm phân bón. “Đến nay đơn vị đã lấy tất cả các mẫu vật đưa về sở, chờ kết quả lấy lời khai bà Loan từ PC49 để có cơ sở đi giám định vì kinh phí giám định có hạn. Theo đó, nếu bà Loan khai sử dụng sản phẩm sau chế biến làm thực uống thì kiểm định theo hướng an toàn thực phẩm, trong đó xem có cả hàm lượng cafein, các chất độc hại trong đó. Nếu sử dụng làm phân bón thì phải kiểm định theo hướng kiểm định phân bón giả thì phải kiểm tra hàm lượng N-P-K”, ông Chương nói.
Cơ sở chỉ lén lút sản xuất vào ban đêm
Để tìm hiểu thực tế, sáng 18-4, chúng tôi có mặt tại xưởng sản xuất của bà Loan. Theo quan sát, hai bên hông của căn nhà cấp 4 dùng để gia đình bà Loan ở nằm hai bên hông là 2 xưởng sản xuất có diện tích khoảng 200m2 với nhiều vật dụng nằm la liệt để sơ chế cà phê.
Trên nền xi măng của xưởng, còn rất nhiều bãi vỏ cà phê, đá sỏi nhỏ nằm vương vãi khắp nơi. Nhiều thùng đựng nước đen ngòm từ bột than của pin bốc ra mùi nồng nặc rất khó chịu. Hàng trăm bao tải nhem nhuốc chứa nguyên liệu làm cà phê được chất đầy xung quanh tường.
Những nguyên liệu để làm sản phẩm này có vỏ cà phê, pin con Ó, đá sỏi nhỏ…và rất nhiều tạp chất đen ngòm chưa được xác định. Cơ sở này đã sử dụng cối trộn hồ để đảo trộn tạp chất với lõi pin để sản xuất cà phê.
Theo ông N.T.H. (một người dân trú cạnh địa điểm xưởng sản xuất của bà Loan) cho biết, đầu năm 2016, bà Loan đến đây thuê dãy kiot ngay vệ đường của một cán bộ xã Nhân Cơ làm địa điểm sản xuất cà phê. “Hằng ngày, người dân nơi đây vẫn thấy bà Loan cho người đi thu mua vỏ cà phê, cà phê nhân thải loại từ nơi khác về phơi. Còn việc sản xuất cà phê của bà Loan thì không ai biết bởi cơ sở bà Loan chủ yếu hoạt động vào ban đêm. Mỗi khi cho công nhân đập pin, bà Loan lại mở nhạc thật to để tránh tiếng ồn, tránh sự chú ý của người dân”, ông H. cho biết thêm.
Còn theo bà Nguyễn Thị Sen (hàng xóm của bà Loan) cho hay, sau hơn 1 năm thuê kiot gần đường, đầu năm 2017, bà Loan mua mảnh đất phía sau kín đáo hơn rồi xây xưởng, xây nhà làm địa điểm sản xuất cà phê.
“Hằng đêm, chúng tôi vẫn thấy xe ô tô tấp nập ra vào xưởng sản xuất của bà Loan vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không biết họ vận chuyển gì và vận chuyển đi đâu. Chỉ đến khi thấy lực lượng Công an ập vào khám xét, bắt quả tang bà Loan sản xuất cà phê “bẩn” thì mới vỡ lẽ ra”, bà Sen nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Võ Ngọc Anh, Trưởng Công an xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp cho biết, đầu tháng 1-2016, bà Loan từ tỉnh Đồng Nai đến thôn 13, xã Đắk Wer thuê nhà và đăng ký giấy phép kinh doanh làm đại lý thu mua nông sản.
“Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì trong suốt thời gian qua, cơ sở của bà Loan không có hoạt động thu mua nông sản nào, người dân trong vùng cũng không hề có giao dịch mua bán nông sản với bà Loan.
Trước sự bất thường của cơ sở, đầu tháng 1-2018, chính quyền địa phương có tiến hành kiểm tra nhưng chỉ phát hiện tại xưởng của bà Loan có khoảng 3 tấn vỏ cà phê. Cứ ngỡ là bà Loan dùng số vỏ cà phê để chế biến phân vi sinh ai ngờ lại dùng để sản xuất cà phê “bẩn” như thế này”, ông Anh nói.
Lực lượng Công an đang kiểm tra, niêm phong các dụng cụ tại cơ sở của bà Loan
Cũng theo ông Anh, khai nhận với cơ quan chức năng, bà Loan cho biết, để chế biến ra loại cà phê bột “bẩn” này, bà đã cho người đi thu mua các loại phế phẩm như vỏ cà phê, cà phê nhân phế thải, đá sỏi rồi về xay nhỏ. Sau khi hòa trộn những phế phẩm này lại với nhau, bà Loan cho công nhân đập pin lấy bột than trong củ pin hòa quyện cùng nước lã rưới đều lên và đưa vào máy trộn bê tông trộn đều.
“Qua đấu tranh, bà Loan chưa khai nhận số cà phê này được đưa đi tiêu thụ ở đâu. Tuy nhiên, qua nắm bắt thông tin, có thể số cà phê này đã được bà Loan vận chuyển xuống thị trường ở các tỉnh Đông Nam Bộ tiêu thụ”, ông Anh cho biết thêm.
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Như Hiền, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông cho biết, qua công tác phối hợp kiểm tra, loại cà phê “bẩn” mà bà Loan sản xuất không hề có nhãn hiệu, nhãn mác và không được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.
“Bà Loan có giấy phép kinh doanh đăng ký là đại lý thu mua nông sản nhưng không hề có hoạt động thu mua. Trong khi đó, bà Loan lại cho công nhân lén lút sản xuất, chế biến cà phê bột thành phẩm từ chất phế phẩm như vỏ cà phê, cà phê nhân thải loại trộn với bột đá và bột than của pin. Chính việc sản xuất chui và sản phẩm không được bán ra trên thị trường cho nên Chi cục Quản lý thị trường không thể phát hiện”, ông Hiền thông tin.
Theo Công an nhân dân