Theo bà Maria Van Kerkhove, dịch ở nhiều quốc gia vẫn chưa đạt đỉnh và các nước cần nới lỏng các biện pháp phòng dịch theo kiểu chậm mà chắc. Vì vậy, bây giờ không phải là lúc để dỡ bỏ tất cả biện pháp phòng dịch cùng một lúc, phải hết sức thận trọng trong việc áp dụng các biện pháp can thiệp cũng như dỡ bỏ biện pháp phòng dịch chậm rãi và từng bước.

Các lãnh đạo WHO (từ trái qua): ông Mike Ryan, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus và bà Maria Van Kerkhove - Ảnh: REUTERS
Các lãnh đạo WHO (từ trái qua): Ông Mike Ryan, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus và bà Maria Van Kerkhove. Ảnh: REUTERS.

Cùng ngày, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, WHO đang lo ngại về việc "một số quốc gia có quan điểm rằng nhờ vắc xin và biến thể Omicron lây lan nhanh nhưng ít nghiêm trọng hơn, việc ngăn ngừa virus lây lan không còn khả thi và cũng không cần thiết nữa".

Ông Mike Ryan, người đứng đầu Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, cũng có nhận định tương tự trong cuộc họp. Ông Mike kêu gọi các nước nên có chiến lược cụ thể chứ không mù quáng làm theo các nước khác.

"Không phải nước nào cũng có hoàn cảnh giống nhau. Những nước mở cửa nhanh cũng cần đảm bảo năng lực để đóng cửa nhanh", ông Mike nói.

Trong bản cập nhật dịch tễ học hằng tuần công bố ngày 01/02, WHO cho biết biến thể Omicron chiếm hơn 93% tổng số ca Covid-19 ghi nhận được trong tháng qua, bao gồm các dòng phụ như BA.1, BA.1.1, BA.2 và BA.3. BA.1 và BA.1.1 là các dòng phụ đầu tiên của Omicron được ghi nhận. Hai dòng phụ này vẫn chiếm hơn 96% tổng số ca Omicron theo dữ liệu từ cơ sở dữ liệu công khai về Covid-19 GISAID. Tuy nhiên, ở Châu Âu và Châu Á, dòng phụ BA.2 đang bắt đầu vượt trội hơn BA.1. WHO cho biết BA.2 đã có mặt ở 57 quốc gia. Ở một số nước, BA.2 chiếm hơn một nửa số ca mắc mới liên quan tới Omicron.

Theo WHO, vẫn còn rất ít thông tin về sự khác biệt của các dòng phụ của Omicron nhưng một số nghiên cứu ban đầu cho rằng BA.2 có khả năng lây nhiễm cao hơn các dòng phụ đầu tiên.

Một vấn đề nữa WHO cảnh báo, đó là núi rác thải y tế sau Covid-19. Hàng chục ngàn tấn chất thải y tế tạo ra trong 2 năm qua đã gây ra áp lực lớn lên hệ thống xử lý. Số rác thải y tế dự báo sẽ tăng thêm nếu không có cách sử dụng hợp lý và tái sử dụng.

Theo WHO, chất thải y tế không chỉ đơn giản là kim tiêm hay găng tay y tế mà còn gồm nhiều thứ khác như đồ bảo hộ cá nhân (PPE). Báo cáo của WHO chỉ xem xét số vật dụng y tế do Liên Hiệp quốc (LHQ) phân phối do các yếu tố khách quan về số liệu. Đã có khoảng 1,5 tỉ bộ PPE - tương đương 85.000 tấn nhựa - được các cơ quan của LHQ mua và phân phát từ tháng 03/2020 đến tháng 11/2021. Con số nghe tuy lớn nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ tính trên toàn cầu, theo Hãng tin Reuters. Phần lớn trong số 85.000 tấn PPE này đã trở thành chất thải y tế. Gần 140 triệu bộ xét nghiệm Covid-19, với khả năng tạo ra 2.600 tấn nhựa và 731.000 lít chất thải hóa học, cũng được LHQ phân phối tới các nước.

Khoảng 97% lượng nhựa tạo ra từ các bộ xét nghiệm được xử lý theo cách phổ biến nhất là đốt. 8 tỉ liều vaccine được sử dụng trên toàn cầu cũng tạo ra thêm 144.000 tấn chất thải dưới dạng lọ thủy tinh, ống tiêm, kim tiêm và hộp an toàn.

Nguyễn Dương