Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành văn bản trên hệ thống quản lý văn bản điện tử vào tháng 3/2019. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành văn bản trên hệ thống quản lý văn bản điện tử vào tháng 3/2019 (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Chiều nay (10/3), Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử tổ chức cuộc họp sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức hơn 100 cuộc họp, hội thảo, buổi làm việc với các chuyên gia trong nước và quốc tế (Australia, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, World Bank, AFD...) để đánh giá việc triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình để thúc đẩy việc thực hiện.

Qua đó, Văn phòng Chính phủ đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ các nút thắt về thể chế, hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực, đồng thời đưa ra cách làm phù hợp để bảo đảm triển khai hiệu quả.

Đặc biệt, Văn phòng Chính phủ đã xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử như: Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Nghị định 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Quyết định 28/2018/QĐ-TTg về gửi, nhận văn bản điện tử…

Một trong những dấu ấn đặc biệt trong xây dựng Chính phủ điện tử là khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia. Từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương (ngày 9/12/2019) với 8 dịch vụ công ban đầu, đến ngày 8/3/2021 đã có hơn 2.800 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên tổng số gần 6.800 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền, với hơn 116 triệu lượt truy cập, hơn 468 nghìn tài khoản đăng ký; hơn 42,5 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 940.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến và hơn 67.000 giao dịch thanh toán điện tử (tổng số tiền hơn 26,7 tỷ đồng) trên Cổng; tiếp nhận, hỗ trợ trên 53.000 cuộc gọi, hơn 10.000 phản ánh, kiến nghị.

Những con số này cho thấy sự quan tâm rất lớn cũng như kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng một cổng tập trung để thực hiện các giao dịch trực tuyến với Chính phủ. Chi phí tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia là hơn 8.100 tỷ đồng/năm.

Việc xây dựng, vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia và xử lý văn bản trên môi trường mạng cũng giúp tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng mỗi năm từ tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính, chi phí thời gian... Tính đến nay, đã có hơn 4,5 triệu văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trong năm 2020 gấp 2,5 lần so với năm 2019.

Một điểm nhấn nữa là Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được khai trương, là hạ tầng số thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số phù hợp theo lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Đến nay, hệ thống đã kết nối với Hệ thống báo cáo của 14 bộ, cơ quan và 37 địa phương.

Tương tác, điều hành trực tuyến thông qua hệ thống mạng dữ liệu của Bộ Quốc phòng, mạng chuyên dùng, Internet với gần 57 điểm cầu tại các bộ, ngành, địa phương; kết nối 32 camera giám sát các hồ đập thủy điện,...; cung cấp dữ liệu của 105/200 chỉ tiêu kinh tế-xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Các hệ thống thông tin do Văn phòng Chính phủ chủ trì triển khai nêu trên được đưa vào vận hành giúp tiết kiệm chi phí xã hội ước tính trên 9.900 tỷ đồng/năm (theo cách tính của OECD) và nhận được phản hồi tích cực của xã hội.

Về bài học kinh nghiệm trong 2 năm qua, Văn phòng Chính phủ cho biết, đó là quyết tâm chính trị, thống nhất quan điểm chỉ đạo và bám sát mục tiêu đề ra.

Thủ tướng yêu cầu từng thành viên Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương đều phải vào cuộc, có sự thay đổi trong nhận thức và hành động, thống nhất quan điểm: “Nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc cụ thể”.

Bên cạnh đó, thể chế cần đi trước để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai Chính phủ điện tử; gắn kết cải cách hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách dẫn dắt, ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ, lấy người dùng làm trung tâm, có phương pháp, cách làm khoa học, chú trọng truyền thông… cũng là các bài học được rút ra.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2020, những nền tảng quan trọng nhất cho phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam đã được hình thành và bước đầu phát huy hiệu quả. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã kết nối đến 100% các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 98% quận, huyện, thị xã.

Một số cơ sở dữ liệu tạo nền tảng Chính phủ điện tử đã được xây dựng, gồm cơ sở dữ liệu về Bảo hiểm quản lý thông tin của 24 triệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế, bao gồm thông tin của trên 90 triệu người dân có thẻ bảo hiểm y tế; cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp chứa thông tin đăng ký doanh nghiệp theo thời gian thực của hơn 1 triệu doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc; tỉ lệ số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đạt 100%; cơ sở dữ liệu tài chính chứa thông tin quản lý thuế của khoảng 65 triệu cá nhân và trên 700.000 doanh nghiệp; cơ sở dữ liệu giáo dục chứa thông tin của trên 53.000 trường học; 1,5 triệu giáo viên; 23 triệu hồ sơ học sinh; cơ sở dữ liệu danh mục dùng chung của Bộ Y tế gồm 10.000 đầu thuốc, 41.000 cơ sở kinh doanh dược… Ngày 25/2/2021, cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư được khai trương.

Tính đến tháng 12/2020, gần 40 nền tảng “Make in Viet Nam” do cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam xây dựng đã được giới thiệu, ra mắt.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, phát triển các nền tảng Chính phủ điện tử dùng chung để phá vỡ điểm nghẽn trong việc triển khai Chính phủ điện tử của giai đoạn trước, nền tảng giúp triển khai nhanh, tiết kiệm, bảo đảm kết nối, liên thông, tạo hệ sinh thái cung cấp dịch vụ.

Sự quyết tâm, ưu tiên triển khai Chính phủ điện tử của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương là yếu tố quan trọng nhất cho thành công. Cụ thể, một số địa phương còn khó khăn ngân sách, nhưng vẫn bố trí trên 1% chi ngân sách nhà nước cho phát triển Chính phủ điện tử.

 Theo CP