Trước đề xuất xây dựng hai đập dâng lớn trên sông Hồng, GS-TS. Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nhận định: “Thay vì hồi sinh dòng sông "chết", nó càng khiến sự ô nhiễm ở hạ lưu tăng lên, trừ khi trên thượng nguồn luôn luôn có một nguồn nước xả xuống dòng sông và chảy đều”

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang đề nghị UBND thành phố Hà Nội phối hợp đầu tư, xây dựng hai đập dâng lớn trên sông Hồng. Theo đề xuất, hai đập dâng sẽ được xây dựng tại khu vực Xuân Quan (Văn Giang - Hưng Yên) và tại khu vực cống Long Tửu (Đông Anh - Hà Nội), dự kiến khởi công vào giai đoạn 2026-2030.

Trước đó, Bộ NN&PTNT đã giao cho Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam nghiên cứu một đề tài cấp Nhà nước và đã nghiệm thu vào năm 2020. Trong Quy hoạch Thủy lợi và phòng chống thiên tai quốc gia, Thủ tướng cũng đã đồng ý đưa vào để triển khai.

Sông “chết” không liên quan gì đến việc xây đập

Việc xây dựng hai đập dâng trên sông Hồng được các chuyên gia của Bộ kỳ vọng sẽ cải thiện khả năng lấy nước vào hệ thống thủy lợi, làm “sống lại” các dòng sông. Nhờ đó, nước từ sông Hồng, sông Tô Lịch sẽ có dòng chảy, thoát cảnh dòng sông chết, tích tụ nước thải như hiện nay.

Phối cảnh đập dâng trên sông Hồng tại cống Xuân Quan (Ảnh: Báo Nông nghiệp)

Khu vực được Bộ NN&PTNN đề xuất xây dựng đập dâng trên sông Hồng thuộc xã Xuân Quan (Văn Giang - Hưng Yên). Theo báo Dân Việt, tại khu vực Xuân Quan hiện có cống Xuân Quan đang được sử dụng để phục vụ việc tưới tiêu cho nông nghiệp tại khu vực này (Nguồn: Báo Dân Việt).

Mô phỏng thiết kế đập dâng tại cống Long Tửu (Ảnh: Báo Nông nghiệp)

Xây hai đập trên sông Hồng: Không cứu được sông 'chết' mà còn tăng nguy cơ xâm nhập mặn!
Hiện tại cống Long Tửu là công trình đầu mối của hệ thống Bắc Đuống, nằm trên địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội. Có chức năng điều tiết nước vào sông Ngũ Huyện Khê, phục vụ canh tác cho khu vực bắc Đông Anh và một phần của Bắc Ninh (Nguồn: Báo Dân Việt).

 

Tuy nhiên, là một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực xây đập trên sông, GS. TS. Võ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định hai đập dâng trên sông Hồng không thể “hồi sinh” những dòng sông "chết", thậm chí còn gia tăng nguy cơ nước mặn xâm nhập.

“Theo tôi biết, hai đập dâng này trước đây Viện Khoa học Thủy lợi đã đưa ra và đề xuất xây ở trước khu vực Xuân Quan, ngay tại sông Hồng, nay Bộ đề xuất thêm một đập nữa. Mục đích của việc xây đập dâng chủ yếu là tăng lượng nước về phía thượng lưu của đập, chứ không phải toàn dòng sông, giống như là một cái hồ chứa nước, nó chỉ nằm ở khu vực đó. Còn ô nhiễm sông thường xảy ra ở phía hạ lưu.

Nếu như chúng ta ngăn nước ở trên lại, dòng nước chảy xuống dưới ít có thể sẽ khiến tình trạng ô nhiễm ở hạ lưu tăng do chất thải đổ ra không được dòng nước rửa trôi”, GS. Võ Trọng Hồng cho biết.

Vị chuyên gia cho rằng, việc xây dựng hai đập dâng trên sông Hồng sẽ vô hình trung có tác dụng ngược. “Thay vì hồi sinh dòng sông "chết", nó càng khiến sự ô nhiễm ở hạ lưu tăng lên, trừ khi trên thượng nguồn luôn luôn có một nguồn nước xả xuống dòng sông và chảy đều” – GS. Hồng nói thêm: “Các dòng sông bị ô nhiễm không liên quan gì đến việc xây dựng đập dâng”.

Xây hai đập trên sông Hồng: Không cứu được sông 'chết' mà còn tăng nguy cơ xâm nhập mặn!

GS. TS. Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam

Cũng theo GS. Vũ Trọng Hồng, dòng nước sông Hồng không chỉ để tưới ruộng, cấp nước sinh hoạt, hoặc là nguồn phát điện mà dòng sông này còn phải đảm bảo lượng phù sa để bồi đắp cho đồng bằng sông Hồng. Nếu như mất lượng phù sa này thì đồng bằng sông Hồng dần dần bị sạt lở, tạo cho nguồn nước mặn về phía biển sẽ dâng cao hơn, đã có thời điểm nước mặn đã từng dâng lên đến Thường Tín.

Theo vị chuyên gia, kinh nghiệm của đồng bằng sông Cửu Long, khi sông Mê Kông bị ngăn đã góp phần gây tình trạng xói lở và nước biển dâng cao. Thượng nguồn sông Mê Kông đã phải chứng kiến nhiều cảnh tượng chưa từng thấy khi mực nước xuống thấp nhất trong lịch sử dù đang là mùa mưa. Còn ở hạ nguồn, tình trạng xâm nhập mặn khốc liệt đã và đang đe dọa đồng bằng sông Cửu Long…

Đối mặt với nhiều tác động không mong muốn

Theo GS. Vũ Trọng Hồng, để quyết định làm đập dâng hay không, Bộ NN&PTNT cần xác định đây là đập cố định hay là tạm thời. Bởi nếu xây dựng đập dâng cố định, vốn rất lớn, còn nếu xây dựng tạm thời thì nguồn vốn sẽ giảm đi. Tính chất của đập dâng sẽ quyết định tính khả thi của dự án.

GS. Võ Trọng Hồng bày tỏ quan điểm:

“Việc xây dựng đập dâng không chỉ ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực: giao thông, cấp nước, thoát nước… Đề xuất xây dựng đập dâng này cần phải xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét là dòng sông Hồng mục tiêu của nó sẽ làm gì?

Phải xin ý kiến các bộ, như vấn đề cấp nước sinh hoạt thì phải hỏi Bộ Xây dựng, hỏi ý kiến dân cư. Ngoài ra, khi làm đập dâng trên sông Hồng sẽ thay đổi dòng chảy, làm cho sinh thái phía hạ lưu thay đổi, nguy cơ nước mặn sẽ xâm nhập trở lại như khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra…”.

Xây hai đập trên sông Hồng: Không cứu được sông 'chết' mà còn tăng nguy cơ xâm nhập mặn!
Nếu mất lượng phù sa thì đồng bằng sông Hồng sẽ bị sạt lở, đối mặt với nguy cơ nước mặn xâm nhập (Ảnh: Báo Kinh tế & Đô thị).

Một khía cạnh nữa chưa được nghiên cứu cụ thể, đó là xây hai đập dâng đặt trong bối cảnh Hà Nội đang định hướng quy hoạch lấy sông Hồng làm trục xanh, phát triển đô thị hai bên bờ sông. GS. Võ Trong Hồng phân tích:

“Trước đây đã có chuyên gia Hàn Quốc sang nghiên cứu để giúp Hà Nội phát triển đô vị một bên sông Hồng. Người ta nghiên cứu rất lâu nhưng sau đó không đưa ra được, không thể tiếp tục dự án. Vì sao dự án không thực hiện được đấy là điều quan trọng. Tôi cho rằng cái phát triển đô thị hai bên sông, tức là phải lấn ra hai bên ven sông, có thêm các nhà hàng, đường đi...

Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ, sông Hồng hiện nay là đường thoát lũ chủ yếu của đồng bằng Bắc bộ. Theo nguyên tắc, Chính phủ phải xác định đường thoát lũ chính là đâu và hai bên bờ sẽ không được xây dựng, không được đụng chạm. Tuy nhiên, hiện nay chưa xác định rõ đâu là đường thoát lũ chính”.

GS. Võ Trọng Hồng chia sẻ thêm:

“Bài học kinh nghiệm của sông Đồng Nai là một ví dụ. Trước đây, người ta đổ đất lấn ra hai bên bờ sông Đồng Nai và dòng thoát lũ không thể thoát được. Và như vậy sẽ khiến thu hẹp lại hai bên bờ, tức là khi chúng ta làm cái đập dâng, thì phía thượng lưu được bồi lại nhưng phía hạ lưu hai bên bờ bị xói mòn.

Nếu chúng ta làm đập dâng ở Xuân Quang, phía hạ lưu của Xuân Quan sẽ dần dần bị xói mòn. Vì thế theo tôi, muốn làm đô thị ven sông Hồng, đồng thời muốn xây dập dâng thì cần phải khảo sát, xem các hình ảnh vệ tinh, qua trực tiếp đo xem dòng sông có ổn định hay không, nếu không ổn định sẽ rất nguy hiểm”.

Xây hai đập trên sông Hồng: Không cứu được sông 'chết' mà còn tăng nguy cơ xâm nhập mặn!

Bản đồ lưu vực hệ thống sông Hồng - Thái Bình (Nguồn: BQL Quy hoạch lưu vực sông Hồng - Thái Bình)

Khoảng trống quản lý thủy lợi theo vùng

Trong khi những tác động ngoài ý muốn về việc xây hai đập tại Hà Nội cần được nghiên cứu, bàn bạc kỹ lưỡng, thì việc quản lý thủy lợi cũng khiến nhiều chuyên gia lo ngại.

Hiện nay, nhiệm vụ quản lý thủy lợi vẫn đang được duy trì theo kiểu chia cắt, quản lý theo từng tỉnh. Đề xuất của Bộ NN&PTNN mới chỉ hướng đến Hà Nội, chưa thực sự tính đến các mặt lợi/hại mà các tỉnh lân cận dọc trên lưu vực sông Hồng sẽ phải gánh chịu. Câu chuyện sau khi xây hai đập dâng, người chịu trách nhiệm trước những tác động không mong muốn sẽ là ai? Hệ thống thủy lợi trên sông vốn là hệ sinh thái có sự kết nối vùng rất chặt chẽ.

Nói về vấn đề này, GS. Võ Trọng Hồng cho rằng việc quản lý thủy lợi lâu nay chúng ta chưa có sự “bắt tay” phối hợp giữa các tỉnh, thành: “Gần như không có nhiệm vụ phối hợp, cần gì thì Bộ sẽ giao nhiệm vụ cho từng tỉnh. Các địa phương chỉ kết nối với nhau khi có vấn đề về thoát lũ, khi địa phương nằm ở thượng lưu làm ảnh hưởng đến địa phương ở hạ lưu…”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bày tỏ quan điểm, ở nước ngoài đã có nhiều quốc gia xây dựng hình thức chính quyền vùng, quản lý các địa phương cùng lưu vực sông, chẳng hạn như mô hình vùng bên Paris hay Tokyo.

Điều này, trên thực tế đã giúp việc quản lý thủy lợi, đê điều trở nên khoa học hơn. Có nên chăng, Việt Nam cũng cần học hỏi quốc tế để tìm ra mô hình quản lý vùng phù hợp, tăng tính kết nối giữa các địa phương, để khi có những dự án như xây đập dâng ở sông Hồng tại Hà Nội, chúng ta nghiên cứu được rõ hơn, bao quát hơn những tác động mà nó mang lại...

Sông Hồng có tổng chiều dài là 1.149 km, trên đất Việt Nam dài 556 km. Hệ thống sông Hồng trên lãnh thổ Việt Nam có hai phụ lưu chính là sông Đà và sông Lô, hệ thống sông được cung cấp nước bởi hơn 600 phụ lưu.

Hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình là hệ thống sông lớn đứng hàng thứ hai của Việt Nam (sau hệ thống sông Mê Kông). Trên lãnh thổ Việt Nam, lưu vực sông Hồng bao gồm 25 tỉnh, thành phố, diện tích là 86.660 km2 (chiếm 51,35% diện tích toàn lưu vực).

Dân số khu vực Đồng bằng sông Hồng hiện nay là 21.848.913 người (năm 2021) chiếm khoảng 22,3% tổng dân số cả nước, với bình quân khoảng 1.450 người/km2. Đây là vùng có mật độ dân số cao nhất cả nước. Năm 2022, diện tích lúa cả năm của vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 7,128 triệu ha, sản lượng đạt trên 42,66 triệu tấn.

H. Thủy (Nguồn: https://www.moitruongvadothi.vn/)