Việc thành lập cái gọi là vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Trung Quốc ở Hoa Đông mới đây có lẽ nhiều quốc gia vẫn chưa thể biết được Trung Quốc thực sự muốn gì, tất cả chỉ dừng lại ở phán đoán. Nhiều chuyên gia cho rằng tuyên bố ADIZ ở Hoa Đông chỉ là bước đệm để tiến ra Biển Đông.

Kiểm soát được Senkaku thành công, vấn đề Biển Đông sẽ đơn giản

Ngay sau khi Bắc Kinh tuyên bố áp đặt cái gọi là quy chế ADIZ Hoa Đông, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và cộng đồng quốc tế phản đối quyết liệt. Trong lúc dư luận đang mải chú ý vào sự kiện này thì Bắc Kinh liền điều cụm chiến hạm Liêu Ninh xuống Biển Đông.

Không chỉ dừng lại ở đó, ngày 25/11, Thiếu tướng Doãn Trác, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban cố vấn của Hải quân Trung Quốc, tuyên bố trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc rằng: "Trung Quốc từ nay có thể thiết lập Vùng xác định phòng không ở Hoàng Hải và Biển Đông".

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ công an.

Trước những động thái của Trung Quốc, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an phân tích: "Mục đích trước mắt của hành động này chính là để thử phản ứng của Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là của Mỹ, cũng là thử độ bền vững, hiệu lực của hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ ký năm 1960.

Tuy nhiên, trong những ngày vừa qua, có lẽ nhiều chính khách trên thế giới vẫn chưa thể biết Trung Quốc thực sự muốn gì ở đây, tất cả những gì họ có thể làm chỉ phán đoán".

Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng việc thành lập ADIZ ở Hoa Đông chỉ là mục tiêu trước mắt, nếu trôi chảy đây sẽ là sự chuẩn bị cho một hành động quân sự có giới hạn.

"Việc chiếm đảo Senkaku/Điếu Ngư rút cuộc cũng chỉ là bước đầu tiên, phục vụ cho nhiều mục đích khác của Trung Quốc.

Trong Binh pháp Tôn Tử có kế “giết gà dọa khỉ”, theo tôi, nói chính xác hiện tại Trung Quốc đang “giết khỉ dọa gà”, nếu việc kiểm soát Senkaku/Điếu Ngư thành công, thì vấn đề Biển Đông sẽ trở nên đơn giản", ông dự đoán.

Chuyên gia nghiên cứu về quan hệ Việt – Trung, ông Dương Danh Dy cũng cho biết: "Trung Quốc gần đây có sự điều chỉnh sách lược về Biển Đông. Chính sách của Trung Quốc như tôi đã nói nhiều lần là lúc đấm, lúc xoa, lúc tiến, lúc lùi. Khi mà gặp sự phản đối mạnh mẽ của các nước lớn trong khu vực thì họ lùi lại còn khi thấy thời cơ thì họ lại thò ra.

Cho nên tôi thấy chuyện này nó cũng là một trong những bước đi tất nhiên, những thủ đoạn, những bước đi tất nhiên của Trung Quốc thôi, cũng giống như vùng biên giới trên không với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Cái chính là âm mưu bá chiếm Biển Đông của Trung Quốc thì bất biến", ông nói.

Về việc điều chiến hạm ra Biển Đông, theo ông Dương Danh Dy, điều đó nằm trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc.

"Bây giờ theo tôi, sau một thời gian họ xoa rồi họ lùi thì giờ họ lại thực hiện một âm mưu mới ở biển Đông. Cái đó là cái tất nhiên. Nếu họ không làm thì mới là điều ngạc nhiên. Còn khi mà họ có các bước đi như vậy thì rõ ràng là Trung Quốc muốn dần dần thực hiện sự hiện diện của họ tại Biển Đông ngày một mạnh lên.

Họ muốn chứng tỏ rằng họ muốn bá chiếm Biển Đông, chiếm 80% vùng Biển Đông của họ, và muốn biến điều đó thành hiện thực. Chắc chắn là những âm mưu rồi những hành động này, hành động kia của Trung Quốc là nhằm thể hiện chủ quyền của Trung Quốc. Làm ở Hoa Đông rồi thì phải làm ở Biển Đông thôi", ông Dương Danh Dy cho chia sẻ.

Ông Dương Danh Dy dự đoán Trung Quốc họ làm thế thôi, còn giờ nếu xảy ra xung đột thì có lẽ chưa phải lúc. Các nước trong khu vực rất cảnh giác, chăm chú theo dõi mọi động thái của Trung Quốc và chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Chuyên gia này cho rằng: "Hiện nay chưa phải là lúc Trung Quốc dám gây ra những thay đổi lớn ở Biển Đông. Nội bộ Trung Quốc nhiều chuyện lắm. Họ vừa họp Hội nghị Trung ương 3 xong nhưng mà qua hội nghị này ta cũng thấy là nhiều vấn đề lắm, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường rồi bất mãn của dân chúng rồi vụ nổ ở Quảng trường Thiên An Môn hay Tân Cương vân vân.

Cho nên là, tôi nghĩ rằng họ làm gì thì làm nhưng trong lúc này họ chưa thể gây chuyện lớn được".

Ý đồ đưa tàu sân bay Liêu Ninh ra Biển Đông

Trước đó, việc xây dựng cảng Hải Nam đã dấy lên sự nghi ngờ cho dư luận. Nhưng đến thời điểm bây giờ khi mà tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc neo đậu tại cảng này mới dần hé lộ ý đồ của Trung Quốc.

Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh tiến vào Biển Đông

Các nhà phân tích cho rằng việc đưa tàu sân bay tới Tam Á cho thấy Trung Quốc có thể đặt các tàu sân bay trong tương lai ở Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng với các quốc gia láng giềng, vốn cũng có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh trong khu vực.

Giáo sư Ni Lexiong, một chuyên gia hải quân tại Đại học khoa học luật và chính trị Thượng Hải, cho rằng Biển Đông có tầm quan trọng về mặt chiến lược và quân sự.

"Tam Á là lối vào cho phần lớn các nguồn năng lượng đến Trung Quốc bằng đường biển", ông Ni nói.

Các tàu thuyền và tàu chở dầu tới từ Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Eo biển Malacca cũng đi qua khu vực này, chuyên gia Ni nói thêm.

Việc Trung Quốc đưa hàng không mẫu hạm Liêu Ninh tới Biển Đông đã khiến các quốc gia trong khu vực lo ngại, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh mới đây tuyên bố tự thành lập ADIZ trên biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Một phát ngôn viên Bộ ngoại giao Philippines cho rằng việc Liêu Ninh tới Biển Đông là một sự triển khai đáng lo ngại.

"Việc triển khai Liêu Ninh đã làm gia tăng căng thẳng và vi phạm Tuyên bố quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), phát ngôn viên Raul Hernandez nói.

Theo ĐV