Lễ hội Điện Huệ Nam thường niên tổ chức vào 02 ngày 2- 3 âm lịch. Năm nay lễ hội nằm trong 02 ngày 10- 11/4/2024 do Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Ban Bảo trợ Điện Huệ Nam và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức.
Điểm nhấn của Lễ hội năm nay là hoạt động tái hiện Carnival dân gian quy mô và độc đáo với lễ rước cung nghinh Thánh Mẫu Hội đồng Tứ phủ trên tuyến đường dài 3 km qua trục đường phố ven bờ Bắc sông Hương. Đây cũng là hoạt động nằm trong khuôn khổ lễ hội mùa hạ Festival Huế 2024.
Lễ hội Điện Huệ Nam (hay Điện Hòn chén) là sinh hoạt truyền thống mang yếu tố văn hoá tâm linh được cử hành vào tháng ba và tháng bảy hàng năm.
Lễ hội Điện Huệ Nam luôn thu hút mọi người vì ngập tràn màu sắc và sôi động. Tại các điểm tổ chức chính ở 352 Chi Lăng, phường Gia Hội Huế, trụ sở chính của Thiên Tiên Thánh giáo thờ phụng Thánh Mẫu Thiên Y A Na và Điện Huệ Nam (xã Hương Thọ, TX Hương Trà) không những thu hút đông đảo tín đồ của tín ngưỡng Thờ Mẫu mà còn hàng vạn lượt người đến tham dự.
Khai hội lúc 6h sáng ngày 10/4, đoàn rước đi đường bộ dài 3km từ 352 Chi Lăng (nơi thờ Mẫu) đi đến Nghinh Lương Đình. Sau khi làm lễ cáo yết cầu an sẽ nghênh giá xuống thuyền xuôi theo dòng sông Hương lên thượng nguồn đến Điện Huệ Nam làm lễ Chính.
Du khách và người dân xứ Huế nhất là các người theo tín ngưỡng thờ Mẫu mỗi dịp Lễ hội Điện Huệ Nam rất nô nức. Họ chuẩn bị hàng tháng trời trước lễ hội. Thu hút du khách và người tham quan nhất vẫn là đám rước Thánh Mẫu trên bộ hay trên những chiếc "Bằng" (thuyền đôi) và Châu án (thuyền đơn) bên trong đặt long kiệu Thánh Mẫu và hòm sắc vua phong, cùng các vật thờ cúng như tán, tàn, cờ, quạt.
Trên các Bằng lớn, người dân theo đạo Thánh Mẫu tổ chức lễ hầu giá các quan lớn, cậu, cô; các ngài tôn thần đệ nhất, đệ nhị, đệ tam.
Long kiệu của Thánh Mẫu là kiệu thêu, do các trinh nữ ăn mặc sặc sỡ khiêng, thanh niên thì vác các đồ lễ bộ, bát bửu và các tự khí khác.
Nghi lễ tại Ðiện Hòn Chén được tổ chức rất long trọng. Dân làng tổ chức lễ tế tại đình làng Hải Cát. Trước ngày Chánh tế có Lễ nghinh thần để rước tất cả các vị thần trong làng về đình.
Sau Lễ Nghinh thần, là lễ Túc Yết; hát thờ, lên đồng, hầu bóng diễn ra suốt đêm. Sáng hôm sau ngày 11/4 là Lễ Chánh tế được tổ chức tại Điện Huệ Nam (Điện Hòn Chén), cầu nguyện Quốc thái dân an và Lễ Hoàn tạ, bế mạc.
Lễ hội Điện Huệ Nam hay Điện Hòn Chén còn được gọi là Lễ Vía Mẹ, không chỉ là của tín đồ Thiên Tiên Thanh Giáo, mà còn là của những người theo đạo thờ Mẹ, đạo hiếu, đạo làm người.
Hoạt động nhằm tái hiện, xây dựng một Carnival dân gian độc đáo, có quy mô lớn, phô diễn nét độc đáo của những trang phục cổ xưa đầy màu sắc, kết hợp với các hình thức diễn xướng, vũ điệu đặc trưng của Tín ngưỡng Thờ Mẫu - tín ngưỡng dân gian Việt Nam, tôn thờ các nữ thần và đề cao vai trò của người phụ nữ.
Điện Hòn Chén là di tích văn hóa lịch sử độc đáo, gồm khoảng 10 công trình kiến trúc lớn nhỏ khác nhau đều nằm lưng chừng sườn núi Ngọc Trản thuộc làng Ngọc Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi đây gắn liền với nhiều truyền thuyết, trong đó có truyền thuyết còn lưu truyền trong dân gian là Vua Minh Mạng đánh rơi chén ngọc xuống dòng sông Hương và một con rùa nổi lên ngậm chén ngọc trả lại cho nhà vua (Hoàn Chén).
Cụm di tích này không lớn lắm, công trình kiến trúc chính là Minh Kính Đài nằm ở vị trí trung tâm; bên phải là nhà Quan Cư, Trinh Cát Viện, Chùa Thánh; bên trái là dinh Ngũ Hành, bàn thờ các quan, động thờ ông Hổ, am Ngoại Cảnh. Sát mép bờ sông còn có am Thủy Phủ và nhiều bệ thờ, am nhỏ...
Điện Huệ Nam hay Điện Hòn Chén không chỉ là một di tích lịch sử và tôn giáo mà còn là một thắng cảnh, một điểm tham quan văn hóa độc đáo, một di sản văn hóa vô cùng quý giá thu hút hàng vạn du khách tham quan hàng năm, nhất là vào dịp lễ hội tháng 3 và tháng 7 Âm lịch hàng năm.
Minh Tích- Hoàng Lê