Xu hướng tiêu dùng trực tuyến bùng nổ ở Việt Nam trong những năm gần đây
Mua sắm trực tuyến (Online shopping) là một tiến trình dùng để liệt kê hàng hóa và dịch vụ cùng với hình ảnh kèm theo được hiển thị từ xa thông qua các phương tiện điện tử, từ đó người tiêu dùng có thể dễ dàng trực tiếp mua hàng hóa, dịch vụ từ một người bán trong thời gian xác định thông qua Internet.
Khi sản phẩm hoặc dịch vụ được chọn, giao dịch sẽ được thực hiện một cách tự động bằng việc thanh toán trực tuyến hoặc thanh toán bằng tiền mặt.
Tại Việt Nam, xu hướng tiêu dùng online đã xuất hiên từ lâu, tuy nhiên nó thực sự chuyển biến rõ ràng và mạnh mẽ từ đầu năm 2020 đến nay, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát chuyển biến rõ rệt từ các mô hình bán hàng truyền thống sang mô hình bán hàng trực tuyến và số lượng người tiêu dùng tham gia mua sắm ngày càng tăng lên nhanh chóng.
Theo số liệu thống kê mua sắm trực tuyến năm 2022, số lượng người Việt mua sắm trực tuyến lên đến con số hơn 51 triệu người, tăng 13.5% so với năm 2021, tổng chi tiêu cho việc mua hàng online của toàn ngành là 12.42 tỷ USD.
Tham gia mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng có thể tiết kiệm được thời gian thay vì phải đi ra ngoài lựa chọn hàng hoá, sản phẩm dịch vụ mong muốn. Thêm vào đó, các kênh mua sắm online đa dạng sản phẩm và dịch vụ kèm theo những phiếu giảm giá và ưu đãi, giúp gia tăng giá trị và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, hoạt động mua sắm trực tuyến còn tiềm ẩn một số rủi ro cho người tiêu dùng như những rủi ro liên quan đến chất lượng sản phẩm, những rủi ro về tài chính khi tiêu dùng không kiểm soát được các hành vi mua sắm của mình, hay những rủi ro về việc bị đánh cắp thông tin.
Chị Khánh chia sẻ: "Tôi đã quen với việc mua sắm trực tuyến hơn là việc đi ra cửa hàng để lựa chọn mua đồ, chỉ với một chiếc smart phone với internet tôi có thể mua được bất cứ thứ gì mình muốn mà không cần phải bước chân ra cửa. Thêm vào đó, online shopping tôi có thể sử dụng được các mã giảm giá kèm thêm là freeship, nhiều khi giá rẻ hơn rất nhiều so với giá thành mua tại các cửa hàng, siêu thị".
Trong năm 2023, song hành cùng hoạt động giao thương ngày càng được mở rộng và phát triển, tình trạng vi phạm trong hoạt động thương mại, nhất là trên môi trường thương mại điện tử vẫn còn gia tăng và nhiều khó khăn thách thức. Trong năm này, đối với lĩnh vực thương mại điện tử, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 6 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm quản lý nhà nước về thương mại điện tử và các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tới đây, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tập trung triển khai 5 nhiệm vụ trọng tâm để góp phần bình ổn thị trường, từng bước làm lành mạnh môi trường kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; đóng góp vào hiệu quả quản lý nhà nước; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng, năm 2024 và những năm tiếp theo.
Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm online cao nhất Đông Nam Á
Hiện, Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm cao nhất Đông Nam Á. Gần 1 nửa dân số Việt Nam mua sắm online, cao nhất Đông Nam Á với 49,3 triệu người, tương đương 41% tỷ lệ dân số. Theo báo cáo mới đây của Ninja Van (hãng vận chuyển hàng đầu tại thị trường tại Đông Nam Á), Việt Nam đang chiếm 15% tổng thị trường mua sắm trực tuyến tại Đông Nam Á, chỉ đứng sau Thái Lan với tỷ lệ 16% và ngang bằng với Philippines. Báo cáo cho thấy, người Việt Nam yêu thích việc mua sắm online và đang dẫn đầu khu vực ở nhiều chỉ số.
Hiện, có tới 57 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm online trong năm 2022, tập trung ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng. Trong đó, có tới 43% người dùng GenZ truy cập ứng dụng mua sắm hàng ngày. Số lượng ngành hàng trung bình một người mua sắm trên Lazada đã tăng từ 6 lên 7 (ngành hàng) giai đoạn 2021 - 2022.
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company công bố cho thấy Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, hai năm liên tiếp (2022 và 2023) và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025 (đồng hạng với Philippines).
Tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức 20%, từ 30 tỷ USD vào năm 2023 lên gần 45 tỷ USD vào năm 2025. Nhận định trong 2 năm tới tăng trưởng tổng giá trị hàng hóa trong hai năm tới của kinh tế số tại Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi lĩnh vực thương mại điện tử.
Theo số liệu khảo sát thống kê của Bộ Công thương, TMĐT Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng 20% năm 2022 và luôn giữ tốc độ tăng trưởng từ 16-30%, dự kiến đạt 20,5 tỷ USD trong năm nay.
Tính riêng tháng 11/2023, tổng giá trị giao dịch trên Shopee, Lazada, TikTok Shop và Tiki đạt hơn 31.915 tỷ đồng, trong đó hai phần ba được "chốt" tại Shopee. Chi tiêu cho mua sắm trực tuyến của người Việt tăng cao tháng qua do nhiều hoạt động kích cầu mua sắm cuối năm diễn ra, lớn nhất là đợt "siêu sale" ngày độc thân 11/11.
Trong tháng 11/2023, tính theo thị phần, Shopee dẫn đầu với 72,7%, tương đương 22.670 tỷ đồng. Trong tất cả nhóm ngành hàng, Shopee đều đứng đầu về doanh thu, bỏ xa các sàn khác. Theo công bố của Shopee, chỉ riêng ngày 11/11, lượng người dùng tham gia mua sắm tăng gấp 38 lần thông thường.
Số lượng hàng hóa bán ra trên các sàn TMĐT lớn của Việt Nam ước tính đạt hơn 261 triệu sản phẩm từ hơn 405.000 nhà bán online, chỉ trong tháng 11 vừa qua. Như vậy, trung bình một gian hàng trên các sàn này thu về 76,7 triệu đồng GMV. Theo nhận định của các đại diện các sàn TMĐT trong và ngoài nước, mua sắm online, TMĐT ở Việt Nam mới chỉ phát triển bước đầu, còn rất nhiều dư địa nên sẽ tiếp tục bùng nổ trong các năm tới.
Trong đó có 10 nhóm ngành hàng có tổng doanh thu cao nhất trên các sàn TMĐT gồm: Thời trang phụ kiện (tổng doanh thu trên 4 sàn đạt 8.142 tỷ đồng); Sắc đẹp (4.689 tỷ đồng); Nhà cửa - đời sống (3.779 tỷ đồng); Công nghệ (3.058 tỷ đồng); Điện gia dụng (2.830 tỷ đồng); Ngành hàng mẹ và bé (1.517 tỷ đồng); Thực phẩm đồ uống (1.477 tỷ đồng); Ngành hàng sức khỏe (1.439 tỷ đồng); Thiết bị âm thanh (790 tỷ đồng); Thể thao và du lịch (776 tỷ đồng).
Để phát triển kinh tế số và TMĐT trong thời gian tới, về chính phủ số, cần phát triển hạ tầng số tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu kinh tế - xã hội phục vụ quản lý, điều hành; xây dựng cơ sở dữ liệu mở dễ truy cập, sử dụng song song với đảm bảo an ninh, bảo mật hệ thống thông tin.
Về giải pháp phát triển xã hội số, tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên TMĐT; quy tắc ứng xử trên môi trường kinh doanh mạng, trên nền tảng TMĐT. Đặc biệt chú trọng đào tạo chuyên sâu cho cán bộ về TMĐT và kỹ năng số; đào tạo nhân lực số cho các trường đại học.
Tìm xu hướng ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số, giải pháp đẩy mạnh Chính phủ điện tử trong các lĩnh vực trọng điểm năng lượng, sản xuất thông minh, logistics; xây dựng thị trường TMĐT bền vững; thu hẹp khoảng cách số. Đồng thời, hoàn thiện khung pháp lý, chính sách hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển TMĐT và kinh tế số.
Hà Trần