Xử lý nạn sách giả: “Lỗ hổng” từ chế tài xử phạt - Hình 1

Ông Vũ Trọng Đại, chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản, GĐ Cty Omega

Theo tôi, cho đến thời điểm hiện tại, khi mà xã hội nói chung có ý thức nhiều hơn về việc bảo hộ tác giả, tác phẩm, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan an ninh, tình trạng làm sách giả cũng như những biến tướng của nó ở trên thị trường đã giảm bớt đi rất nhiều. Tuy nhiên, tôi thấy vấn nạn trên không hoàn toàn được chặn đứng. Có lẽ vì chúng ta chưa có một cơ chế, một chế tài đủ mạnh từ góc độ các cơ quan quản lý có tính chất răn đe đối với các đơn vị làm sách lậu, sách giả. Cho nên, vẫn còn hiện tượng trên thị trường có một số sách bán chạy, ngay lập tức sau đó, chỉ trong thời gian rất ngắn thôi, dăm mười ngày hoặc là một tháng thì lập tức có sách giả trên thị trường. Chính vì vậy, đây là một trong những vấn đề hóc búa để cho các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị xuất bản, độc giả cùng vào cuộc để làm sao tình trạng sách lậu, sách giả, sẽ giảm bớt.

Theo ông, dựa vào những tiêu chí gì để bạn đọc có thể phân biệt được sách giả và sách thật? (Tại buổi phỏng vấn, PV có mang theo 2 cuốn sách, 1 cuốn sách giả và 1 cuốn sách thật cùng có tên là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, tác giả Nguyễn Nhật Ánh, xuất bản năm 2015, được mua tại một nhà sách để nhờ ông Đại phân biệt đâu là sách thật và đâu là sách giả.)

Xử lý nạn sách giả: “Lỗ hổng” từ chế tài xử phạt - Hình 2

Ông Đại cầm trên tay 1 cuốn sách thật và 1 cuốn sách giả

Ở trong tay tôi có 2 cuốn sách của NXB Trẻ như bạn thấy. Hai cuốn sách này, nếu độc giả thông thường nhìn qua và không có điều kiện đặt 2 cuốn sách ở bên cạnh nhau thì cũng khó để phát hiện đâu là sách giả, đâu là sách thật. Nhưng nhìn chung, để phân biệt độc giả cần lưu ý những điểm sau:

Các chỉ số trên bìa: Cuốn sách thật thì chúng ta thấy, màu sắc rất là hài hòa, thậm chí nhà xuất bản còn xử lý, gia công bằng cách tên sách thì được in mạ nhũ bạc, sách thì có phần tay gấp ở tay gấp bìa nhưng với một cuốn sách giả thì như chúng ta thấy, màu sắc của cuốn sách là nó lợt hơn rất nhiều, tên sách thì không nhũ bạc và đặc biệt là nó không hề có tay gấp.

Chữ viết: chữ ở trên bìa sách thật có sắc nét và thanh mảnh hơn so với chữ trên bìa giả của một cuốn sách giả. Cuốn sách giả thông thường không đảm bảo về độ sắc nét, cũng như dễ bị nhoè,…

Chất liệu giấy in: sách thật được in trên giấy xốp nhẹ, giấy vàng, giấy nhập ngoại; chứ còn sách của đơn vị sách giả thì được in trên giấy trắng mỏng và chữ trong nội dung cũng như vậy, chữ có thể từ mặt trước hằn ra mặt sau.

Đấy là những yếu tố để phân biệt. Tuy nhiên tôi vẫn phải nói rằng việc phân biệt giữa sách giả và sách thật, hiện tại rất là khó khăn.

Theo ông, sách giả còn tồn tại thì nó ảnh hưởng tới hoạt động xuất bản như thế nào?

Theo tôi nghĩ, sách giả có 2 ảnh hưởng nghiêm trọng:

Một là, sách giả ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh của những đơn vị xuất bản làm ăn chân chính. Tức là một đơn vị xuất bản để có thể cho ra đời một cuốn sách như thế này, thì họ sẽ bỏ ra rất nhiều chi phí chẳng hạn, như chi phí mua bản quyền, chi phí dịch, chi phí trả nhuận bút, chi phí in, chi phí trình bày-thiết kế và cả chi phí phát hành nữa. Nhưng ở những đơn vị làm sách giả thì hầu như họ không phải bỏ ra một chi phí nào, trừ chi phí in và ngay cả việc in họ cũng giảm thiểu đến mức tối đa chất lượng của bản in.

Hai  là, sách giả tồn tại trên thị trường chiếm một thị phần cạnh tranh với cả sách thật. Cho nên đơn vị xuất bản không thể in được số lượng bản in đúng thực sự với khả năng hoặc là với mức tiêu thụ mà cuốn sách ấy đã có. Vì nó phải chia sẻ phần đó với cả sách giả. Điều đấy quay ngược lại – là khi họ không in được nhiều sách thì tiền nhuận bút trả cho tác giả, căn cứ bằng công thức trả tiền nhuận bút là – (giá bìa) x (số lượng in) x (đơn vị phần % – thỏa thuận giữa tác giả và đơn vị xuất bản) của tác giả hoặc dịch giả càng thấp. Lúc đó, tác giả,… không có khả năng nuôi sống bản thân, gia đình và không có chi phí để nuôi dưỡng khả năng sáng tạo của mình nữa.

Theo ông, nó còn ảnh hưởng như thế nào nữa đối với người đọc – đối tượng tiếp thu ấn phẩm này?

Đối với người đọc, ảnh hưởng sẽ ở một góc độ khác. Như ta được biết, sách có thể coi như người thầy thứ 2 đối với độc giả. Bởi vậy, nếu những cuốn sách thật bị sao chép và chẳng may không chính xác thì đồng nghĩa với việc độc giả sẽ tiếp nhận những thông tin sai lệch từ những cuốn sách ấy, dẫn đến việc hình thành nên một kiến thức hoặc là một ý thức, một tư tưởng không đúng. Và như vậy, khi họ áp dụng vào đời sống hoặc dẫn dắt cuộc sống của mình, sẽ khiến cho họ đi sai đường. Điều này, sẽ ảnh hưởng đến cả sự nghiệp, đến cả công việc, việc làm,… của họ. Ấy là một số tác hại lớn mà tôi nêu ra với độc giả.

Để ngăn chặn tệ sách giả ngày một biến tướng, ông muốn gửi thông điệp gì đến mọi người ?

 Tôi nghĩ rằng, có thể khẳng định sách giả là thứ cần phải xóa bỏ trong bất kỳ một xã hội nào, vì những tác hại của nó. Tuy nhiên, để có thể xoá bỏ được tình trạng in sách giả tràn lan, chúng ta cần phải tiến hành bền bỉ theo thời gian… Và để thực tiễn nó cần phải có sự vào cuộc của rất nhiều bên liên quan đến sách – đó là các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị xuất bản, các đơn vị phát hành và cả độc giả nữa. Vì chỉ khi có sự chung tay, góp sức của tất cả những đơn vị đó, sẽ tạo thành rào cản, răn đe,… khiến cho những đơn vị làm sách lậu, sách giả không còn đất sống; họ sẽ bị xử phạt rất nặng nếu họ còn làm ra những sản phẩm ảnh hưởng đến văn hóa, mà đây chính là sách.

Trân trọng cảm ơn ông.

Trường Hùng (thực hiện)