NDD117/2020 quy định xử phạt đến 100.000.000 đồng đối với vi phạm về khám chữa bệnh, dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tếNDD117/2020 quy định xử phạt đến 100.000.000 đồng đối với vi phạm về khám chữa bệnh, dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế

Cụ thể, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Áp dụng đối với cá nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài (sau đây viết tắt là cá nhân, tổ chức) thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này; người có thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và cá nhân, tổ chức khác có liên quan.

Theo đó, vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định tại Nghị định này là những hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm: Vi phạm các quy định về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS; Vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh; Vi phạm các quy định về dược, mỹ phẩm; Vi phạm các quy định về trang thiết bị y tế; Vi phạm các quy định về bảo hiểm y tế; Vi phạm các quy định về dân số.

Đối với thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực y tế, Nghị định đã quy định rõ thẩm quyền xử phạt của các lực lượng như: Công an nhân dân; thanh tra; hải quan; quản lý thị trường; sát biển … Trong đó, đáng chú ý người đứng đầu các cơ quan trên có quyền ra quyết định Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng, phòng, chống HIV/AIDS; đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế; đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế. Đồng thời, có quyền tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả...

Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc hoàn trả số tiền đã thu không đúng quy định của pháp luật, trường hợp không hoàn trả được cho đối tượng thì nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; Buộc thực hiện biện pháp vệ sinh, khử trùng, tẩy uế và các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm khác; Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, kiểm tra, xử lý y tế...

Nghị định 117/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020.

 Phan Chinh