Năm 2025, phấn đấu sản lượng cá tra đạt 1,65 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD
Năm 2025, phấn đấu sản lượng cá tra đạt 1,65 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD

Khó khăn và thách thức

Theo báo cáo tại Hội nghị Tổng kết ngành hàng cá tra năm 2024 và bàn giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2025, cả nước hiện có 1.920 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra. Trong đó, có 2 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống bố mẹ; 76 cơ sở sản xuất giống và 1.842 cơ sở ương dưỡng cá tra bột lên cá giống.

Công suất sản xuất cá bố mẹ, đạt trên 30.000 con/năm, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất giống. Đến nay, có 61/tổng số 76 cơ sở sản xuất giống và 97/tổng số 1.842 cơ sở ương dưỡng giống - được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất.  

Cả nước có 46 nhà máy có vốn đầu tư trong nước và 40 nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài, tham gia sản xuất thức ăn hỗn hợp cho cá tra; có trụ sở, địa điểm sản xuất trên địa bàn các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Các DN này đã được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện. Tổng diện tích thả nuôi cá tra năm 2024 khoảng 5.370 ha (bằng 95% so cùng kỳ 2023).

Theo Cục Thủy sản, năm 2024, ngành hàng cá tra phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức, một số hàng hóa, vật tư đầu vào, phục vụ phát triển thủy sản, giá vẫn ở mức cao. Đặc biệt, xung đột chính trị khiến chi phí logistics tăng. Cùng với đó là sự cạnh tranh từ một số quốc gia đang chiếm thị phần, tại thị trường Hồi giáo; sự tự chủ trong cung cấp thực phẩm có nguồn gốc từ cá tra tại các quốc gia láng giềng.

Song, với sự nỗ lực không ngừng của các DN, sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý có liên quan và hiệp hội, ngành hàng cá tra Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể về cả chất lượng và giá trị.

Cụ thể, sản lượng cá tra năm 2024, ước tính đạt 1,67 triệu tấn, bằng 99% so cùng kỳ 2023 (theo số liệu báo cáo của địa phương). Tính đến ngày 15/10/2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,56 tỷ USD, tăng 8,9% so cùng kỳ. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng  không đồng đều, do có sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia và dòng sản phẩm cá thịt trắng khác.

Theo Cục Thủy sản, sản phẩm giá trị gia tăng của cá tra còn chiếm tỷ trọng nhỏ, chủ yếu vẫn là sản phẩm đông lạnh. Việc phụ thuộc vào một số thị trường xuất khẩu lớn khiến ngành hàng cá tra có thể gặp bất lợi, nếu các thị trường này có thay đổi về chính sách, hoặc yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, thiếu sự phối hợp và cạnh tranh quá mức giữa các nhà chế biến, xuất khẩu Việt Nam, cùng với chất lượng chưa đồng đều, đã ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu sản phẩm cá tra Việt Nam. Chưa hết, giá thu mua cá tra nguyên liệu, đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất tại các cơ sở sản xuất giống và nuôi thương phẩm, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ.

Đánh giá về thị trường của cá tra Việt Nam năm 2024, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Tô Thị Tường Lan cho biết, cơ hội cho ngành cá tra phát triển - là kết quả thuế chống bán phá giá tích cực, lượng tồn kho tại các thị trường chính giảm, cá nguyên liệu không bị dư thừa như năm 2023.

Mặt khác, những tín hiệu tích cực từ sự hồi phục nền kinh tế Mỹ, cơ hội tăng thị phần tại các thị trường nhỏ lẻ, bên cạnh các thị trường truyền thống và dư địa cho sản phẩm cá tra trên thế giới nhiều tiềm năng.

Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu

Theo kế hoạch, Việt Nam đề ra mục tiêu nâng cao giá trị trong năm 2025, phấn đấu đạt sản lượng 1,65 triệu tấn cá tra, hướng tới kim ngạch xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD.

Tuy nhiên, tại hội nghị, nhiều đại biểu nhận định, năm 2025, cũng như nhiều năm tiếp theo, ngành cá tra tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, bên cạnh hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu làm thay đổi lũ về trên sông Mekong, ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nước nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi cá tra, ngành hàng cá tra còn đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt khi một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia đang đẩy mạnh việc nuôi và chế biến thủy sản tương tự.

Bên cạnh đó, ngành cá tra trong nước còn chịu ảnh hưởng bởi các quy định về giảm phát thải trong nuôi, chế biến, xuất khẩu, trong đó có những đòi hỏi liên quan đến cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh COP 26; các rào cản kỹ thuật, thương mại của các nước nhập khẩu. Đặc biệt, trong bối cảnh môi trường đang có nhiều biến động, đây là mục tiêu đòi hỏi nhiều nỗ lực lớn của toàn ngành và nhiều cơ quan chức năng.

Vì vậy, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025 đó là tiếp tục các chương trình chọn lọc, nâng cao chất lượng giống cá tra, nhất là đối với các tình trạng về chịu mặn, kháng bệnh, nhằm cung cấp con giống khỏe mạnh, thích nghi với điều kiện khí hậu thay đổi và cải thiện khả năng chống lại bệnh tật; quan tâm nghiên cứu và từng bước thay thế bột cá, dầu cá trong sản xuất thức ăn bằng nhiều loại nguyên liệu thức ăn thay thế có nguồn gốc thực vật, côn trùng, vi tảo, protein vi sinh vật, rong biển có tiềm năng trong tương lai.

Bên cạnh đó, việc thí điểm áp dụng công nghệ RAS (xử lý nước tuần hoàn trong nuôi trồng thủy sản) trong các trại sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, góp phần đảm bảo an toàn sinh học và nâng cao tỷ lệ sống.

Lãnh đạo Cục Thủy sản cho biết, một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới đó là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra Việt Nam, thông qua việc cải tiến công nghệ, kiểm soát chất lượng chặt chẽ từ nuôi trồng đến chế biến và đạt các chứng nhận liên quan đến an toàn thực phẩm, khí nhà kính, an toàn môi trường, tôn giáo, giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều, gia tăng giá trị của ngành hàng cá tra.

Hiệp hội cá tra Việt Nam kiến nghị Nhà nước tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước để bảo vệ chất lượng sản phẩm và uy tín của ngành cá tra; chỉ đạo cơ quan chuyên ngành, kiểm tra chất lượng, DN nào không đúng, sẽ xử lý.

“Chúng ta cần có chính sách bình ổn giá thức ăn, vì giá tục tang, thì các hộ nuôi không có lợi nhuận hoặc thua lỗ, sẽ kéo theo một số hộ nuôi tạm ngưng sản xuất; đồng thời giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi từ 2% như hiện nay, xuống còn 0%, giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thuốc thủy sản”, Hiệp hội cá tra Việt Nam kiến nghị.

Để ngành hàng cá tra phát triển và tận dụng được cơ hội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị:

Các bộ, ngành, địa phương, phát triển giống cá tra theo hướng công nghiệp, quy mô sản xuất lớn, đảm bảo an toàn sinh học; kiểm soát chặt chẽ trong quản lý, sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng;

Quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất giống cá tra, đảm bảo chất lượng nguồn giống; sản xuất, chế biến cá tra phải hướng đến sản xuất xanh, giảm phát thải; nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học trong nuôi trồng, sản xuất cá tra;

Cùng với việc hình thành chuỗi khép kín trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ, cần tăng cường ứng dụng KH&CN, tận dụng phụ phẩm nhằm gia tăng giá trị sản phẩm; từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học trong nuôi trồng, sản xuất cá tra và hình thành chuối khép kín trong sản xuất, chế biến, cũng như tiêu thụ cá tra.

Bên cạnh các thị trường truyền thống, Việt Nam cần tìm kiếm và phát triển các thị trường mới tiềm năng; trong đó có thị trường Hồi giáo, đáp ứng được yêu cầu chứng nhận Halal...

Hải Minh