Hội nghị với các địa phương về tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài các tháng cuối năm 2024 - Ảnh: VGP/HT
Hội nghị với các địa phương về tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài các tháng cuối năm 2024 - Ảnh: VGP/HT

Bộ Tài chính mới đây đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài năm 2024 để tiếp tục lắng nghe và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Theo báo cáo của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), năm 2024, các địa phương được giao tổng kế hoạch vốn vay nước ngoài là 24.805,39 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư công (vốn ngân sách nhà nước cấp phát bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương) là 10.094,79 tỷ đồng. Số kế hoạch vốn được giao cho các địa phương năm 2024 thấp hơn nhiều so với năm 2023 (chỉ bằng 70% kế hoạch vốn năm 2023), tương ứng số lượng dự án được giao kế hoạch vốn 2024 cũng chỉ bằng 58,3% năm 2023 (98/168 dự án).

Tính đến ngày 30/11, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài (tính chung cả vốn cấp phát của trung ương và vốn địa phương vay lại) đạt 30,3% (cao hơn cùng kỳ năm 2023 là 24,89%). Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài chính, kết quả giải ngân này vẫn khá thấp, khó đạt được yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đặt ra (phấn đầu cả năm giải ngân 95% kế hoạch vốn năm 2024).

Kế hoạch vốn được giao thấp hơn năm 2023 nhưng các địa phương cũng không phân bổ hết kế hoạch vốn cho các dự án (mới phân bổ được 93,7% kế hoạch vốn đầu tư công của ngân sách trung ương và 79,28% kế hoạch vốn địa phương vay lại) chủ yếu do dự án đã kết thúc, không còn nhu cầu giải ngân hoặc dự án chưa hoàn thành các thủ tục điều chỉnh nên chưa có cơ sở phân bổ kế hoạch vốn.

Về giải ngân, có 6/53 địa phương (9 địa phương không được giao kế hoạch vốn 2024 và 1 địa phương giao kế hoạch vốn để thực hiện ghi thu ghi chi) có tỉ lệ giải ngân đạt trên 60%, nhưng vẫn còn 05/53 địa phương vẫn chưa giải ngân kế hoạch vốn 2024.

Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, cho rằng nguyên nhân cơ bản khiến tiến độ giải ngân cả nước chậm là do liên quan đến thủ tục chuẩn bị dự án đầu tư, bị động về kế hoạch vốn nên xây dựng triển khai đầu tư không sát. Một số dự án phải thay đổi hoặc gia hạn nhưng điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư chậm khiến tiến độ giải ngân chậm theo.

Với tình hình giải ngân hiện nay, việc đạt được tỷ lệ giải ngân 95% kế hoạch vốn được giao năm 2024 đối với nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là rất khó do thời gian từ nay đến hết năm không còn nhiều.

Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rút ngắn tối đa thời gian xử lý đơn rút vốn. Cùng với đó sẽ trực tiếp làm việc với các ban quản lý dự án, các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân; tiếp tục trao đổi với các nhà tài trợ nhằm tháo gỡ các vướng mắc về phía nhà tài trợ như rút ngắn thời gian và đơn giản hóa thủ tục cho ý kiến không phản đối.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ, thủ tục trong việc gia hạn thời gian bố trí vốn để tránh làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của dự án. Nhanh chóng thực hiện các thủ tục bổ sung kế hoạch vốn trung hạn, kế hoạch vốn cấp phát cho các địa phương để hoàn thành thủ tục và đủ điều kiện được bố trí vốn bổ sung.

An Nguyên (t/h)