Trong đó, tính riêng trong tháng 3, giá trị xuất khẩu hàng rau quả đạt 380 triệu USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam. Tính đến hết tháng 2-2021, xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt 352,83 triệu USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 62,5% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam. Sự tăng trưởng này do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán tại Trung Quốc.
Tiếp đó, các quốc gia: Hoa Kỳ, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… là những thị trường nhập khẩu mặt hàng rau quả lớn của Việt Nam trong quý I-2021. Một số thị trường ghi nhận sự tăng trưởng mạnh như: Đài Loan (Trung Quốc) đạt 12,87 triệu USD, tăng 43,1%; Australia đạt 11,9 triệu USD, tăng 30,6%; Malaysia đạt 9,2 triệu USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản, việc duy trì tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp đã khẳng định hướng đi và giá trị của mặt hàng rau quả Việt Nam, đặc biệt là sự chuyển dịch từ những thị trường nhập khẩu lớn như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Dự kiến, năm 2021, xuất khẩu mặt hàng rau quả tăng trưởng cao nhờ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và việc khai thác mở rộng các thị trường: Ai Cập, Kuwait, Ukraine, Senegal...
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện cả nước có khoảng 1,05 triệu hecta cây ăn quả, sản lượng khoảng 12,6 triệu tấn. Ðến nay, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cấp 998 mã số vùng trồng trái cây để xuất khẩu tại các thị trường lớn, như: Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, EU và cấp 47 mã số cơ sở đóng gói cho nông sản xuất khẩu sang các thị trường này.
Hưng Phúc