Tính chung trong 9 tháng qua, tổng xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 6,42 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, xuất khẩu thủy sản đang có cơ hội rộng mở hơn tại thị trường Mỹ khi một loạt những rào cản dần được tháo gỡ.
Xuất khẩu tôm trong tháng 9 đạt giá trị gần 390 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này tốt hơn so với mức giảm 20% trong tháng 7 và 14% trong tháng 8 khi so với cùng kỳ.
Tính đến hết tháng 9/2018, tổng xuất khẩu tôm đạt trên 2,7 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện Mỹ là một trong những thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của Việt Nam, chiếm khoảng 17% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường, với kim ngạch đạt trên 600 triệu USD/năm.
Tuy nhiên, với việc sắp bước vào những tháng cao điểm cộng thêm kết quả mặt hàng tôm xuất khẩu sang Mỹ chỉ bị áp thuế chống bán phá giá (CBPG) giai đoạn POR12 là 4,58% - thấp hơn so với kết quả sơ bộ và kết quả POR11 là 25,76%, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ khởi sắc dần trong những tháng cuối năm.
Theo đó, VASEP dự báo xuất khẩu tôm cả năm 2018 có thể vẫn duy trì mức tương đương 2017 với gần 3,8 tỷ USD.
Bên cạnh đó, xuất khẩu cá tra trong tháng 9 tiếp tục tăng mạnh 45% đạt 205 triệu USD. Qua đó, nâng tổng xuất khẩu 9 tháng đầu năm lên 1,6 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu cá tra được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Lý do là Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) thông báo kết quả sơ bộ thuế CBPG cá tra giai đoạn POR14 từ ngày 1/8/2016 -31/7/2017 với mức thuế thấp hơn rất nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát trước đó (POR13).
Đồng thời, cơ quan FSIS của Hoa Kỳ cũng công bố lên Công báo Mỹ đề xuất công nhận hệ thống kiểm tra cá tra Việt Nam tương đương với Hoa Kỳ, đồng nghĩa với việc cá tra Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Dù chưa phải là kết quả chính thức, nhưng đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho cá tra Việt Nam.
Vì vậy, dự báo xuất khẩu cá tra năm 2018 sẽ cán đích với mức 2,1 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2017.
Xuất khẩu cá ngừ, một trong những mặt hàng chủ lực của thủy sản Việt Nam, cũng tăng mạnh từ tháng 8 với 20% và tiếp tục tăng 22% trong tháng 9 đạt gần 54 triệu USD. Qua đó, đưa tổng kết quả trong 3 quý đầu năm lên con số 485 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, xuất khẩu mực, bạch tuộc trong tháng 9 đạt 55 triệu USD, tăng 8% đưa kết quả xuất khẩu 9 tháng đầu năm lên 476 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo xuất khẩu cá ngừ và mực, bạch tuộc năm nay sẽ đạt khoảng 650 triệu USD mỗi sản phẩm, tăng 8% so với năm 2017.
Ngoài ra, tính đến hết quý 3/2018, xuất khẩu các loại cá biển khác và hải sản khác ước đạt khoảng 1,2 tỷ USD và sẽ kết thúc năm 2018 với kim ngạch khoảng 1,7 tỷ USD.
Như vậy, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản trong quý 4/2018 sẽ đạt kết quả cao hơn cùng kỳ năm ngoái với kim ngạch khoảng 2,5 tỷ USD. Đồng thời, ngành thủy sản Việt Nam sẽ cán đích năm 2018 với doanh số xuất khẩu khoảng 8,9 – 9 tỷ USD, tăng 7% so năm 2017.
Theo các chuyên gia, mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức kể cả thị trường nhập khẩu hay trong nội tại ngành.
Do vậy, các doanh nghiệp cần tập trung xây dựng các liên kết chuỗi từ khâu nuôi trồng nguyên liệu đến chế biến, nhằm kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường…
Ngọc Linh