Xuất khẩu thủy sản dự báo mang về khoảng 9,2 tỷ USD năm 2022
Xuất khẩu thủy sản dự báo mang về khoảng 9,2 tỷ USD năm 2022.

Xuất khẩu tiếp tục tăng

Số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu thể hiện, năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,9 tỷ USD, tăng 5,6% về trị giá so 2020 - mức cao nhất từ trước đến nay. Dự báo, xuất khẩu thủy sản năm 2022  tiếp tục tăng, đạt 2,1 triệu tấn, đạt 9,2 tỷ USD, tăng 3,9% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so 2021 nhờ nhu cầu nhập khẩu thủy sản thế giới ở mức cao và những ưu đãi từ các FTA.

Cục Xuất nhập khẩu đưa ra triển vọng này, dựa trên dự báo về nhu cầu nhập khẩu thủy sản toàn cầu tiếp tục ở mức cao với động lực từ thị trường Mỹ và EU. Theo đó, kinh tế Mỹ và EU được dự báo tăng trưởng mạnh năm 2022, nhu cầu tiêu dùng tiếp tục ở mức cao, trong khi lượng thủy sản dự trữ, tồn kho tại các thị trường này ở mức thấp.

Năm 2021, trị giá nhập khẩu thủy sản ở hầu hết thị trường lớn trên thế giới đều tăng so 2020 (trừ Đức).

Tại Báo cáo Triển vọng nông nghiệp 2021 - 2030, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) dự báo, mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người của thế giới sẽ đạt 21,2 kg vào năm 2030, tăng so thời điểm 2018 - 2020 (bình quân 20,5 kg) và tăng 3,6% trong giai đoạn 2020 - 2030. Năm 2030, nuôi trồng thủy sản, dự kiến sẽ cung cấp 57% lượng cá phục vụ con người, cao hơn 4% so thời điểm 2018 - 2020.

Tiêu thụ thủy sản được kỳ vọng sẽ mở rộng ở tất cả các châu lục, nhờ thu nhập tăng, đô thị hóa, mở rộng sản xuất, cải thiện kênh phân phối và đổi mới sản phẩm.

Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản  (VASEP) Trương Đình Hòe nhìn nhận, nếu ngành thủy sản tận dụng tốt việc tăng nhu cầu trên thế giới để tăng thêm thị phần, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng, thì hoàn toàn có thể duy trì được sự tăng trưởng, trong đó tôm vẫn là “át chủ bài” thúc đẩy xuất khẩu thủy sản cả nước. Năm 2022, dự báo xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, do đây là thực phẩm thơm ngon, bổ dưỡng, tiện lợi nên nhu cầu của thế giới tiếp tục ở trạng thái tốt.

Năm 2022, những thị trường tiềm năng của Việt Nam về xuất khẩu tôm vẫn tiếp tục đóng vai trò chính là Mỹ, Nhật Bản, EU. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nỗ lực khai mở, tháo gỡ những khó khăn của các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Australia, Canada, Singapore…

Phó Tổng thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam nhận định, năm 2022, xuất khẩu tôm sang Mỹ và EU, dự kiến tiếp tục tăng trưởng 2 con số; xuất khẩu sang Trung Quốc phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2021, xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản tăng trưởng nhẹ, do nhu cầu từ 2 thị trường này khá ổn định.

Cùng với đó, xuất khẩu cá tra, dự báo sẽ tăng trưởng trở lại năm 2022 và thị trường Trung Quốc vẫn là khu vực tiềm năng cho xuất khẩu cá tra. Đây là thông tin lạc quan, bởi theo VASEP, từ cuối năm 2021, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại.

Chuyên gia thị trường cá tra của VASEP, bà Tạ Hà cho biết, từ tháng 09/2021, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc cho rằng, nguồn cá tra dự trữ của họ để chuẩn bị cho dịp lễ, tết cuối năm hay tới mùa hè năm 2022 đã cạn nên họ đang chờ đợi Chính phủ nới lỏng các biện pháp kiểm tra hàng hóa để tăng cường mua hàng.

Theo bà Hà, Việt Nam vẫn là một trong 03 thị trường cung cấp sản phẩm cá thịt trắng hàng đầu cho Trung Quốc, trở thành nhà cung cấp cá tra đông lạnh độc quyền tại Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc đang thiếu cá tra và dự báo sẽ tăng nhập khẩu trong thời gian tới.

Đối mặt nhiều thách thức

Cùng với những thuận lợi, ngành thủy cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp với việc xuất hiện các biến chủng mới. Việc giao thương giữa các quốc gia còn khó khăn; giá cước vận chuyển quốc tế chưa có xu hướng giảm. Thời tiết phức tạp do biến đổi khí hậu, sự thiếu hụt nguồn nước cung cấp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long… 

Cùng với đó là yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc của các thị trường, thẻ vàng của EC chưa được tháo gỡ, lao động trong khai thác thiếu về số lượng và chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng… Sự thay đổi về quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia. Một số thị trường nhập khẩu chính thủy sản của Việt Nam đã có những thay đổi trong chứng nhận an toàn thực phẩm. 

Điển hình như tôm, muốn xuất khẩu sang Hàn Quốc, phải đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) mới được miễn kiểm dịch. Thời gian xử lý nhiệt trên con tôm theo quy định của Hàn Quốc dài, ảnh hưởng không nhỏ đến màu sắc, mùi vị của sản phẩm. 

Brazil cũng quy định chế độ xử lý nhiệt rất khắt khe so hướng dẫn của Tổ chức Thú y thế giới, đây cũng là một khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. 

Mặc dù đã có sự chủ động trong sản xuất, nhiều doanh nghiệp cũng ký kết được các đơn hàng xuất khẩu thủy sản lớn, song theo phân tích của các chuyên gia, việc kiểm soát dịch Covid-19 chưa có sự chắc chắn, áp lực chi phí nguyên liệu thô kéo dài và chi phí vận chuyển cao, vì vậy, kế hoạch xuất khẩu của ngành thủy sản năm 2022 được đánh giá gặp nhiều khó khăn.

Chuyên gia nghiên cứu kinh tế độc lập, TS.Trần Hữu Hiệp cho rằng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên vùng nuôi, năng lực khai thác, chế biến, xuất khẩu và dư địa gia tăng chuỗi giá trị các ngành công nghiệp chế biến sâu, tạo ra sản phẩm mới chất lượng cao từ các nguyên liệu, phụ phẩm tôm, cá tra còn rất lớn. 

Do đó, cần phải liên kết vùng, thương hiệu hóa, luật hóa “sân chơi” nội địa và quốc tế để các doanh nghiệp ngành thủy sản ứng xử đúng - “làm sạch” con tôm, con cá và các sản phẩm thủy sản, đủ sức cạnh tranh trên thế giới.

Các dịch vụ hậu cần logistics, thương mại điện tử, ứng dụng số… cần được khuyến khích, đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để tạo ra nhiều phân khúc giá trị thủy sản sáng tạo. Đạt được điều đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 2022 sẽ không chỉ dừng lại ở con số 9 tỷ USD.

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Trương Đình Hòe: “Những nỗ lực sản xuất, xuất khẩu thủy sản năm 2021 đã mang lại nhiều bài học quý giá cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản. Năm 2022, xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục tăng trưởng do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trên toàn cầu vẫn đang tăng, khoảng 5% mỗi năm”.

Bùi Quyền