Theo Bộ Công Thương, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF, tháng 4/2024) đánh giá nền kinh tế toàn cầu đã phục hồi mạnh mẽ. IMF dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 3,2% trong năm 2024 và 2025; theo đó, mức dự báo tăng trưởng năm 2024 được điều chỉnh tăng 0,1% so với dự báo tháng 1/2024.
Tuy nhiên, theo dự báo của Liên Hợp quốc (UN) và Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 cùng đạt mức 2,4%, thấp hơn lần lượt 0,3 và 0,2 điểm phần trăm so với năm 2023. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 2,9%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm; Liên minh châu Âu (EU) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 3,3%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm.
Tăng trưởng kinh tế tại một số nền kinh tế lớn, là đối tác quan trọng của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc diễn biến trái chiều trong quý I/2024. Kinh tế của Mỹ tăng trưởng 1,6% trong quý I/2024, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 2,4% trước đó và là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ quý II/2022 (tăng trưởng quý IV/2023 là 3,4%); tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Mỹ tăng tốc trong tháng thứ hai liên tiếp, đạt 3,5% vào tháng 3/2024, mức cao nhất kể từ tháng 9/2023 tăng từ mức 3,2% vào tháng 2/2024.
Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 5,3% so với cùng kỳ trong quý I/2024, tiếp nối mức tăng trưởng 5,2% trong giai đoạn trước, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ quý II/2023. Giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 3/2024 tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2023, giảm đáng kể so với mức tăng 0,7% trong tháng 2/2024; Tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng ở khu vực đồng Euro đạt mức 2,4% so với cùng kỳ vào tháng 3/2024, gần mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB).
Ở trong nước, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội trong bối cảnh biến động của địa chính trị và kinh tế thế giới diễn ra phức tạp, nhiều khó khăn thách thức, sẽ tiếp tục tạo ra những thuận lợi trong thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh thời gian tới. Các tổ chức quốc tế đã đưa ra dự báo kinh tế Việt Nam 2024 có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2023. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam sẽ được duy trì ở mức 6%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam đứng thứ 20 thế giới với mức tăng trưởng năm 2024 đạt 5,8%. WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 là 5,5% và tiếp tục nằm trong nhóm đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Theo Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings, chính sách tài chính và tiền tệ trong nước của Việt Nam đã hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế, theo đó, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,3% vào năm 2024 và 7,0% vào năm 2025. Chính phủ cũng đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nền kinh tế có những tín hiệu phục hồi tích cực là động lực cho tăng trưởng tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào sẽ góp phần kiểm soát lạm phát.
Nhìn chung, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024, nhất là xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ có cả những thuận lợi và đối mặt với những thách thức như sau:
Về thuận lợi: (i) Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có với các đối tác/thị trường tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư; (ii) Nhu cầu thị trường thế giới nói chung và khu vực thị trường Châu Âu, châu Mỹ từng bước phục hồi do lạm phát đã bắt đầu có xu hướng giảm từ cuối năm 2023 và có khả năng tiệm cận mức mục tiêu các Ngân hàng Trung ương đề ra cho năm 2024 (ECB và FED - 2%); (iii) Việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hoá đầu tư sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu; (iv) Các nước khu vực Châu Âu, châu Mỹ đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cũng như dành nhiều hỗ trợ tín dụng và công nghệ đối với Việt Nam...
Về khó khăn: (i) Kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro và thách thức và khó đoán định; sự phục hồi chậm của các đối tác thương mại lớn; (ii) áp lực lạm phát toàn cầu được đánh giá sẽ chậm lại nhưng vẫn ở mức cao; xu hướng tiếp tục thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia nhằm kiềm chế lạm phát; (iii) rủi ro gián đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu; (iv) an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bão lũ, hạn hán... tiếp tục là các vấn đề cần quan tâm; (v) Xung đột địa chính trị tiếp tục kéo dài và bất ổn tiếp tục có nguy cơ lan ra các khu vực khác; (vi) Xu hướng phi toàn cầu hoá đang tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ.
Chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng. Việc các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng đang tiếp tục là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn/quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu; (vii) Việc các nước đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc, tập trung vào một số đối tác gần thị trường và đối tác tương đương với Việt Nam như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Băng-la-đét... sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam...
Minh Anh