Tháng 1 năm 2015, mặc dù khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục có tăng trưởng tương đối khả quan với đà đi lên ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu, trong đó cán cân thương mại vẫn nghiêng về xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm 2014, xuất siêu ở khu vực này đã giảm mạnh

Xuất siêu giảm 290 triệu USD so với cùng kỳ

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 1/2015, xuất khẩu của khu vực FDI tính cả dầu thô đã đạt 8,49 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 66,8% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nếu không kể dầu thô, giá trị này đứng ở mức 8,2 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ 2014.

Về nhập khẩu trong tháng 1, khu vực FDI có kim ngạch nhập khẩu đạt 7,8 tỷ USD, tăng 41,4% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 57,8% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Như vậy, tháng đầu tiên của năm 2015, các doanh nghiệp FDI xuất siêu 690 triệu USD; giảm 290 triệu USD so với thời điểm cách đây một năm. Tháng 1/2014, con số này đã đạt mức 980 triệu USD.

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/1/2015, cả nước có 44 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 392,18 triệu USD, tăng 85,5% so với cùng kỳ năm 2014.

Bên cạnh đó, có 19 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 271,26 triệu USD, tăng 45,8 % so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung trong tháng 1 năm 2015, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 663,44 triệu USD, tăng 67,1% so với cùng kỳ năm 2014.

Không chỉ tăng về số vốn đầu tư, quan trọng hơn, số vốn thực hiện giải ngân trong tháng 1 đã có chuyển biến tích cực khi đạt 505 triệu USD, tăng 8,6 % so với cùng kỳ năm 2014.

Vốn vẫn chảy nhiều vào công nghiệp chế biến, chế tạo

Tiếp tục xu hướng chủ đạo trong các năm vừa qua, dòng vốn FDI tháng 1/2015 vẫn “chảy” chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Mảng công nghiệp này đã thu hút được 18 dự án đầu tư đăng ký mới với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm đạt 605,69 triệu USD, chiếm đến 91,3% tổng vốn đầu tư đăng ký trong tháng 1.

Đứng thứ hai là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 30,79 triệu USD, chiếm 4,6% tổng vốn đầu tư.

Đứng thứ 3 là lĩnh vực sản xuất phân phối điện, nước với 1 dự án đầu tư mới và 2 dự án tăng vốn cùng tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 10,44 triệu USD.

Hàn Quốc tạm thời “tụt” hạng

Hàn Quốc tạm thời đánh mất vị trí ngôi đầu và tụt xuống đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong tháng 1 khi chỉ có 110,25 triệu USD tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm, chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư.

Tạm đứng ở vị trí tiên phong là BritishVirgin Islands (một quần đảo thuộc Vương quốc Anh) với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 331,32 triệu USD, chiếm 49,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Dự án tiêu biểu nhất của BritishVirgin Islands được cấp phép trong tháng 1 là Dự án Công ty TNHH Worldon có tổng vốn đầu tư 300 triệu USD đặt tại TP. Hồ Chí Minh hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp.

Hồng Kông đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 105,5 triệu USD, chiếm 15,9% tổng vốn đầu tư. Trong đó, góp phần làm nên thành tích này của Hồng Kông là Dự án Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam tại Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn đầu tư 90 triệu USD để mở rộng sản xuất hàng may mặc.

Theo Báo Công Thương